Bộ quốc phòng Nga vừa ra thông báo cho biết, Quân đội Nga và Việt Nam sẽ tổ chức cuộc tập trận chung lần đầu tiên vào năm 2017.
Các phương tiện truyền thông Nga dẫn nguồn tin quân sự cho biết, Bộ quốc phòng nước này đang chỉ đạo Bộ tổng tham mưu vạch kế hoạch triển khai các cuộc tập trận quốc tế, được tổ chức vào năm 2017. Đặc biệt là trong đó có sự tham gia của Việt Nam.
Vào năm 2017, Quân khu phía Đông Nga (bao gồm cả lực lượng của Hạm đội Thái Bình Dương) sẽ tham gia một số cuộc tập trận chung với các nước: Ấn Độ, Mông Cổ, Pakistan, Việt Nam, Nicaragua và các nước thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) trong năm 2017.
CSTO là một liên minh quân sự liên chính phủ của các quốc gia Liên Xô trước đây như Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan. Các nước còn lại như Việt Nam hay Ấn Độ cũng là những đối tác chiến lược rất quan trọng của Nga.
Trong thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, theo kế hoạch vào tháng 10 năm 2017, cuộc tập trận quân sự chung Nga-Việt sẽ được tổ chức lần đầu tiên. Tuy nhiên, số lượng quân tham gia và địa điểm tổ chức tập trận chưa được tiết lộ.
Theo nguồn tin từ Nga, không chỉ tiến hành các cuộc tập trận song phương với Nga, Việt Nam sẽ được mời tham gia một số cuộc tập trận chung đa quốc gia với Nga và một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Belarus…
Hôm 1/10, Tư lệnh lục quân Nga, Đại tướng Oleg Salyukov cũng tiết lộ rằng, lục quân Nga chuẩn bị tham gia loạt cuộc tập trận chung với một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Lực lượng tham gia là một đơn vị binh chủng hợp thành của Quân khu phía Đông.
Quân khu phía Đông là một trong bốn quân khu của Lực lượng Vũ trang Nga. Quân khu được thành lập theo Sắc lệnh mà Tổng thống Nga Dimitry Medvedev ký hồi tháng 9/2010. Cuộc tập trận với Quân đội Việt Nam nằm trong kế hoạch hợp tác quốc tế của Quân khu này.
Quân sự Việt Nam tăng cường hội nhập quốc tế
Trong những năm gần đây, quân đội Việt Nam đã tăng cường mở rộng hợp tác, giao lưu quốc tế về quân sự nhằm từng bước hội nhập quân sự thế giới, nâng cao khả năng tác chiến, hiệp đồng; rèn luyện kỹ năng tiến hành các hoạt động trong khuôn khổ hoạt động quân sự của Liên Hiệp Quốc.
Việt Nam đang tăng cường hợp tác đa phương về quân sự |
Nằm trong chiến lược đó, trong thời gian qua, quân đội Việt Nam đã tham gia một số cuộc tập trận, diễn tập chung phi quân sự với quân đội nước ngoài, ví dụ như với Quân đội Mỹ và Quân đội Nhật Bản.
Tháng 2 năm nay, một nhóm tác chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển (MSDF) của Nhật Bản và 2 máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion đã tới Việt Nam và tiến hành các cuộc diễn tập chung với hải quân Việt Nam trong 3 ngày, từ hôm 16 đến 18/2 tại Đà Nẵng.
Một trong những nội dung diễn tập là kịch bản các máy bay P-3C của Nhật Bản và tàu hải quân Việt Nam sẽ giải cứu một tàu dân sự gặp nạn. Giai đoạn đầu được thực hiện trên sa bàn tại căn cứ hải quân Việt Nam ở Đà Nẵng hôm 17/2, giai đoạn 2 được thực hiện trên biển.
Tuy nhiên, không có nhiều thông tin chi tiết về các khoa mục cụ thể của cuộc tập trận này.
Ngoài ra, cuối tháng 9 vừa qua, khu trục hạm USS John S.McCain (DDG-56) thuộc chi đội tàu khu trục số 7 của Hạm đội Thái Bình Dương - Hải quân Mỹ và Hải quân nhân dân Việt Nam đã triển khai hoạt động diễn tập hợp tác hải quân lần thứ 7 (NEA) tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng.
Cuộc diễn tập tập trung vào các hành động không mang tính tác chiến, như hội thảo y học quân sự và luật biển, trao đổi ý kiến giữa các chuyên gia về các vấn đề cụ thể trong lĩnh vực hàng hải, y tế, sửa chữa tàu, Quy tắc ứng xử trong những va chạm ngoài ý muốn trên biển (CUES) và kịch bản tìm kiếm cứu hộ.
Diễn tập NEA Việt Nam xuất phát từ các chuyến thăm hàng năm của tàu Hải quân Mỹ tại cảng Đà Nẵng được bắt đầu cách đây hơn mười năm và hiện bao gồm các hoạt động hợp tác hải quân song phương trên bờ và trên biển trong thời gian dài.
Theo Toàn Thắng (Đất Việt)