Email từ nghi phạm và quan điểm của quân đội Ukraine
Ngày 16/9, Kiev đã lên tiếng phủ nhận mọi liên kết với Ryan Routh, nghi phạm bị cáo buộc âm mưu ám sát cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/9, sau khi xuất hiện thông tin cho rằng đối tượng này là một người ủng hộ Ukraine và từng bày tỏ mong muốn tuyển mộ tình nguyện viên nước ngoài để chiến đấu tại đó.
Routh "chưa bao giờ là một phần, có liên quan hay có mối liên hệ với Binh đoàn Lê dương Quốc tế trong bất kỳ khả năng nào", đơn vị tập hợp các tình nguyện viên nước ngoài hỗ trợ cho lực lượng Ukraine khẳng định với Reuters.
Một thành viên trong nhóm này tiết lộ với CNN rằng, Routh có gửi email đề nghị tuyển mộ tình nguyện viên nước ngoài, nhưng quân đội Ukraine nghĩ rằng ông ta "ảo tưởng" và không nghiêm túc xem xét các đề xuất.
"Chúng tôi thậm chí không trả lời. Không có gì để trả lời cả. Ông ấy chưa bao giờ là một phần của binh đoàn và không hợp tác với chúng tôi dưới bất kỳ hình thức nào", Oleksandr Shaguri, sĩ quan của Cục Phối hợp với Người nước Ngoài thuộc Bộ Tư lệnh Lục quân Ukraine nói với CNN.
Ông Trump đã an toàn sau vụ việc ngày 15/9 mà Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) coi là âm mưu ám sát lần thứ 2 nhằm vào cựu tổng thống, khi ông đang chơi golf ở West Palm Beach, Florida. Tay súng Ryan Routh, 58 tuổi đã bị bắt giữ.
Routh, người Hawaii, đã được truyền thông Mỹ xác định là nghi phạm mặc dù không được cơ quan thực thi pháp luật tiết lộ danh tính tại thời điểm xảy ra vụ việc.
Tối 15/9, các đặc vụ của Cơ quan Mật vụ Mỹ và Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã khám xét một ngôi nhà ở Greensboro, Bắc Carolina, mà một người hàng xóm nói với Reuters là thuộc sở hữu của Routh.
Kiev nói gì về "dấu vết Ukraine"?
Theo Reuters, các cuộc phỏng vấn và bài đăng trên mạng xã hội cho thấy nghi phạm Ryan Routh là một người ủng hộ mạnh mẽ Ukraine và từng tới đó sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt năm 2022.
Bằng chứng về sự ủng hộ Ukraine của Routh nhanh chóng xuất hiện sau sự việc, bao gồm cả đoạn video ông ta trao đổi với Newsweek Romania tại Kiev vào năm 2022, nơi Routh được cho là đã dựng một căn lều với cờ của các quốc gia đại diện cho các tình nguyện viên đã thiệt mạng ở Ukraine.
Routh khẳng định mục tiêu của ông ta là giúp tuyển mộ chiến binh nước ngoài, sau khi bị từ chối phục vụ vì quá già. New York Times cũng đưa tin rằng họ từng phỏng vấn Routh hồi năm 2023, khi ông ta nói rằng đang cố gắng tuyển mộ cựu binh từ Afghanistan để đưa họ sang Ukraine.
Giới chức Ukraine cho biết họ không hề liên quan tới nghi phạm và cáo buộc rằng, Moscow đang tận dụng mối liên hệ nói trên cho mục đích tuyên truyền.
Về phần mình, Điện Kremlin ám chỉ tới khả năng tồn tại mối liên hệ giữa âm mưu ám sát ông Trump với sự ủng hộ của Mỹ dành cho Kiev và nói rằng "chơi dao sẽ có ngày đứt tay".
Người đứng đầu Trung tâm Chống thông tin sai lệch của Ukraine, Andriy Kovalenko, nói rằng Moscow đang "sử dụng âm mưu ám sát nhằm vào ông Trump để chống lại Ukraine trong lĩnh vực thông tin" và một số thuyết âm mưu về "dấu vết Ukraine" sẽ được phát động.
Theo Reuters, những hồ sơ trên X, Facebook và LinkedIn mang tên Routh chứa các thông điệp ủng hộ Ukraine cũng như các tuyên bố mô tả ông Trump như một mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ.
Reuters không thể xác nhận rằng các tài khoản thuộc về nghi phạm, và các cơ quan thực thi pháp luật từ chối bình luận. Quyền truy cập công khai vào các hồ sơ Facebook và X đã bị gỡ bỏ chỉ vài giờ sau sự cố hôm 15/9.
Âm mưu ám sát nhằm vào ông Trump xảy ra chỉ 2 tháng sau khi ông bị trầy tai phải do đạn sượt qua khi một tay súng tìm cách bắn ông tại buổi vận động tranh cử ngoài trời gần Butler, bang Pennsylvania. Tay súng này đã bị các nhân viên an ninh tiêu diệt ngay sau đó.
Cả hai sự kiện nêu bật thách thức trong việc bảo vệ an toàn cho các ứng cử viên tổng thống khi mà đường đua đang nóng lên ở thời điểm ngày bầu cử 5/11 chỉ còn cách hơn 7 tuần nữa.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lập tức chỉ đạo đội ngũ của mình để đảm bảo cơ quan mật vụ Mỹ có đủ nguồn lực cần thiết, phục vụ công tác giữ an toàn cho ông Trump.
Theo Thi Anh (Nguoiduatin.vn)