"Vào cuối mùa hè, tôi nghĩ có khả năng tại khu Patriot, địa điểm tổ chức diễn đàn Army-2018 từ ngày 21-26/8, chúng tôi sẽ ký kết hợp đồng cung cấp lô hàng đầu tiên cho Bộ Quốc phòng. Những đợt cung cấp tiếp theo sẽ bắt đầu vào năm tới", TASS ngày 19/8 dẫn tuyên bố của chủ tịch tập đoàn sản xuất máy bay thống nhất (UAC) Nga Yuri Slyusar.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov hồi giữa tháng 7 tuyên bố Moskva không có kế hoạch sản xuất hàng loạt tiêm kích PAK/FA Su-57 bởi các chiến đấu cơ thế hệ 4 của Nga vẫn hoạt động tốt và chưa lạc hậu so với phương Tây.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự cho rằng lý do chính khiến Nga chưa sản xuất hàng loạt Su-57 có thể liên quan đến ngân sách quốc phòng eo hẹp. Giá thành mỗi chiếc Su-57 vào khoảng 40-45 triệu USD, rẻ hơn 2,5 lần so với tiêm kích F-35 của Mỹ, nhưng vẫn sẽ là gánh nặng lớn với chi tiêu quân sự của Nga nếu mua sắm với số lượng lớn.
Một lý do khác khiến Su-57 không được sản xuất hàng loạt là những vấn đề kỹ thuật vẫn cần phải khắc phục trên mẫu tiêm kích tàng hình này.
Ngành công nghiệp quốc phòng Nga vẫn chật vật với chương trình phát triển động cơ thế hệ mới mang tên Saturn Izdeliye 30 cho Su-57. Mẫu động cơ vector ba chiều có lực đẩy lớn và hiệu suất tiêu thụ cao này khó có thể được sản xuất hàng loạt trước năm 2020.
Su-57 ban đầu có tên mã PAK-FA, do tập đoàn Sukhoi phát triển từ năm 2002. Su-57 được phủ vật liệu đặc biệt giúp hấp thụ và tán xạ sóng radar, có hình dáng tối ưu cho khả năng tàng hình trước thiết bị trinh sát điện tử của đối phương. Không quân Nga đang vận hành 10 nguyên mẫu Su-57 để đánh giá và thử nghiệm, hai chiếc đầu tiên dự kiến được biên chế vào lực lượng này trong năm 2019.
Theo Nguyễn Hoàng (VnExpress.net)