Lãnh đạo Suu Kyi, người có thời hạn giam giữ kết thúc vào ngày 15-2, sẽ bị giam giữ đến ngày 17-2, thời điểm bà nhiều khả năng xuất hiện trước một phiên tòa trực tuyến, luật sư của bà Suu Kyi là ông Khin Maung Zaw khẳng định.
Việc bà Suu Kyi bị gia hạn thời gian giam giữ nhiều khả năng khiến tình hình leo thang căng thẳng giữa chính quyền quân sự Myanmar và những người biểu tình yêu cầu trả tự do cho bà.
Hôm 15-2, đám đông biểu tình tiếp tục tập trung trên khắp Myanmar, sau khi chính quyền quân sự nước này chặn internet và tăng cường hiện diện an ninh ở nhiều thành phố lớn trên khắp cả nước.
Tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, hàng ngàn kỹ sư xuống phố biểu tình, hô vang những khẩu hiệu như: "Trả tự do cho lãnh đạo của chúng tôi", "Ai đứng về phía công lý?" và "Ngưng bắt người trái phép vào giữa đêm".
Tại Yangon, thành phố đông dân nhất Myanmar, các cuộc biểu tình cùng ngày có người tham dự ít ỏi hơn vì internet bị chặn, cũng như vì thông tin chính quyền quân sự triển khai xe tăng trên đường phố.
Dù vậy, cuộc biểu tình bên ngoài tòa nhà Ngân hàng Trung ương Myanmar vẫn có sự tham gia của hơn 1.000 người, bất chấp sự hiện diện của xe tải quân sự, binh lính, cảnh sát chống bạo động, vòi rồng và xe thiết giáp.
Tình hình bất ổn bắt đầu diễn ra vào ngày 1-2, khi quân đội Myanmar bắt giam lãnh đạo Suu Kyi cùng các thành viên trong chính phủ của bà, với cáo buộc không phản ứng trước nghi vấn gian lận bầu cử.
Hôm 14-2, các đại sứ đến từ Mỹ, Canada và 12 nước thành viên khối Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục gia tăng sức ép lên chính quyền quân sự Myanmar, yêu cầu các lực lượng an ninh không hành xử bạo lực nhằm vào "những người biểu tình phản đối cuộc đảo chính lật đổ chính quyền hợp pháp của họ".
Bên cạnh đó, các đại sứ còn chỉ trích hành động bắt giữ giới lãnh đạo chính trị và các nhà hoạt động dân chủ, cũng như hành động can thiệp thông tin liên lạc của chính quyền quân sự Myanmar.
Theo Cao Lực (Nld.com.vn)