Quân đội Mỹ khai khống chi tiêu hàng nghìn tỷ USD

21/08/2016 17:33:00

Những nhân viên kế toán tại Bộ Quốc phòng Mỹ thường gọi việc làm báo cáo tài chính cuối năm cho quân đội Mỹ là "trò bưng bít vĩ đại".

Những nhân viên kế toán tại Bộ Quốc phòng Mỹ thường gọi việc làm báo cáo tài chính cuối năm cho quân đội Mỹ là "trò bưng bít vĩ đại".

Theo báo cáo, quân đội Mỹ đã khai khống đến 2.800 tỷ USD chỉ tính riêng trong một quý của năm 2015. Tất cả các khoản khai báo này đều không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Do đó, báo cáo tài chính năm 2015 của quân đội Mỹ có những thông tin "sai lệch nghiêm trọng", Bộ Quốc phòng Mỹ kết luận.

Tuy nhiên, đáp lại kết luận này, người phát ngôn quân đội Mỹ đã gửi đi một thông cáo trong đó nêu rằng vấn đề không nghiêm trọng khi con số khai báo không hợp lệ chỉ có 62,4 triệu USD. "Mặc dù có nhiều sự điều chỉnh trong báo cáo chi tiêu, chúng tôi tin rằng những thông tin mà chúng tôi đã cung cấp chính xác hơn là những gì mà báo cáo thanh tra ám chỉ".

Quan doi My khai khong chi tieu hang nghin ty USD hinh anh 1
Hai binh sỹ thuộc lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ trong buổi tập tại một trung tâm huấn luyện ở California, Mỹ. Ảnh: Reuters.

Vụ việc là câu chuyện mới nhất trong chuỗi bê bối liên quan đến sổ sách của quân đội Mỹ vốn đã gây ra nhiều "phiền toái" cho Lầu Năm Góc trong hàng thập kỷ qua.

Suốt nhiều năm, Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ đã luôn không chấp nhận các báo cáo thường niên của quân đội. Việc khai báo không đáng tin đến độ "những báo cáo tài chính cơ bản có thể có những lỗi sai nghiêm trọng và lan rộng mà không thể phát hiện ra".

Quốc hội Mỹ từng yêu cầu Bộ Quốc phòng hạn cuối đến ngày 30/9/2017 phải sẵn sàng cho một đợt kiểm toán toàn diện. Những rắc rối trong khai báo sổ sách lần này của quân đội Mỹ đặt ra câu hỏi về việc liệu Lầu Năm Góc liệu có thể đáp ứng được yêu cầu này hay không.

Jack Armstrong, một cựu nhân viên của Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ, chia sẻ rằng việc khai báo chi tiêu mà không có chứng từ đã xảy ra từ trước khi ông nghỉ hưu vào năm 2010.

Ông cho biết, quân đội Mỹ hàng năm ban hành hai báo cáo: một báo cáo ngân sách và một báo cáo tài chính. Báo cáo ngân sách được hoàn thành trước. Armstrong tin rằng những con số làm giả được cho vào báo cáo tài chính để "khớp" với báo cáo ngân sách.

Cựu nhân viên kiểm toán cũng thông tin, một số nhân viên của Văn phòng Tài chính - Kế toán Bộ Quốc phòng Mỹ (DFAS), thường "mỉa mai" gọi việc làm báo cáo cuối năm cho quân đội Mỹ một "trò bưng bít vĩ đại".

Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc bản thân DFAS cũng đã "thay đổi các con số mà không thể giải thích được". Đồng thời họ cho rằng DFAS không thể nào cho ra được một báo cáo cuối năm chính xác về chi tiêu của quân đội Mỹ khi "hơn 16.000 file dữ liệu đã biến mất khỏi hệ thống máy tính".

Hiện DFAS chưa đưa ra bình luận về cáo buộc này.

Theo Đông Phong (Zing.vn)

Nổi bật