Theo RT, báo cáo của GAO dựa trên dữ liệu của Bộ Quốc phòng trong 30 năm trở lại đây cũng như các cuộc phỏng vấn với nhiều quan chức quân đội. GAO kết luận rằng bộ máy chiến tranh công nghệ cao nhất thế giới có nhiều lỗ hổng an ninh mạng. Không chỉ có vậy, nhiều lỗ hổng còn xuất hiện trong cả hệ thống hiện tại lẫn hệ thống đang được phát triển, cho thấy đây là một điểm yếu chí tử có hệ thống của Lầu Năm Góc.
Báo cáo của GAO cũng nhận định “huyệt tử” này lại khá lạc hậu với một quốc gia chi tiêu quốc phòng nhiều hơn cả 7 cường quốc quân sự khác cộng lại. Một số có thể kể đến như mật khẩu yếu, quá trình chuyển dữ liệu không được mã hóa. Cùng với đó, một số lỗ hổng khác lại cho thấy năng lực về an ninh hệ thống của các kỹ thuật viên quân đội vẫn còn yếu kém.
Được biết, các đội kiểm tra đã có thể đoán mật khẩu của quản trị viên hệ thống chỉ trong 9 giây. Trong khi đó, nhiều hệ thống vũ khí đã sử dụng mật khẩu mặt định của phần mềm điều hành thương mại. Do đó, các nhân viên kiểm tra đã thành công trong việc tải về và xóa các dữ liệu mật, chiếm quyền điều khiển màn hình của người vận hành cũng như theo dõi hoạt động của họ mà không bị phát hiện.
Theo giám đốc GAO Christina Chaplain, nguyên nhân gây ra những lỗ hổng nói trên có thể đến từ việc quân đội quá tự tin về các biện pháp bảo mật của mình. Bên cạnh đó, trước năm 2015, quy trình mua các hệ thống vũ khí của Lầu Năm Góc còn không ưu tiên vấn đề an ninh mạng.
Ngoài ra, các quan chức quân đội còn khá mù mờ về cách mà an ninh mạng hoạt động. Trong một trường hợp, họ thường chọn cách lờ đi cảnh báo đột nhập hệ thống vì cho rằng đó là lỗi chương trình.
Điều đáng lo ngại, theo giám đốc Chaplain, ở đây là những lỗ hổng được GAO tìm thấy “chỉ có thể là phần nổi của tảng băng chìm”. Lầu Năm Góc không thể kiểm tra hết mọi kết nối trong hệ thống máy tính quốc phòng cực rộng của Mỹ nên có khả năng cao là sẽ còn nhiều lỗi chết người nữa chưa được phát hiện.
Theo Tiểu Đào (Dân Việt)