Trong một tuyên bố, IDF cho biết Hamas có một số khu phức hợp ngầm dưới bệnh viện Al Shifa. Những công trình này được các thủ lĩnh Hamas sử dụng “để chỉ đạo các hoạt động của nhóm”.
Đáng chú ý, “có một đường hầm nối thẳng đến bệnh viện để các quan chức Hamas không cần phải vào bệnh viện mới xuống được căn cứ”.
IDF cũng cáo buộc lực lượng an ninh nội bộ của Hamas có một trung tâm chỉ huy bên trong bệnh viện Al Shifa, từ đó họ “chỉ đạo phóng rocket vào Israel”.
Hệ thống năng lượng của bệnh viện cũng cung cấp năng lượng cho căn cứ ngầm của Hamas, theo IDF. Bệnh viện Al Shifa có khoảng 1.500 giường bệnh và khoảng 4.000 nhân viên.
IDF cho biết họ nhận được thông tin về việc Hamas sử dụng bệnh viện Al Shifa từ nhiều nguồn tình báo.
Theo CNN, việc IDF tiết lộ thông tin về bệnh viện Al Shifa dường như là nhằm “trấn an dư luận” trước cuộc tấn công trên bộ lớn nhằm vào Dải Gaza.
Người phát ngôn quân đội Israel - Daniel Hagari tuyên bố các bệnh viện khác ở Dải Gaza cũng đang được Hamas sử dụng theo cách tương tự.
Ông Hagari nói: “Khi các cơ sở y tế được sử dụng cho mục đích khủng bố, chúng đã mất đi cơ chế bảo vệ khỏi bị tấn công theo luật pháp quốc tế”, dường như ám chỉ rằng những bệnh viện như vậy hiện đã nằm trong danh sách mục tiêu của Israel.
Ông khẳng định quân đội Israel sẽ "tiếp tục nỗ lực để giảm thiểu thiệt hại cho dân thường".
Người phát ngôn chỉ đưa ra một bằng chứng duy nhất về cáo buộc của IDF, là một cuộc điện thoại giữa hai người dân Gaza thảo luận về sự hiện diện của trụ sở Hamas tại bệnh viện.
Ông cho biết Israel có nhiều bằng chứng hơn mà ông chưa thể công khai.
Chính quyền Dải Gaza đã bác bỏ cáo cuộc của quân đội Israel.
Người đứng đầu cơ quan y tế địa phương nói với CNN rằng các bệnh viện ở Dải Gaza “chỉ được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân” và không được sử dụng “để che giấu bất kỳ ai”.
Phong trào Hamas cũng bác bỏ cáo buộc này, đồng thời kêu gọi "Liên Hợp Quốc, các nước Ả Rập và Hồi giáo can thiệp ngay lập tức để ngăn chặn hành động ném bom phá hủy hệ thống y tế".
Mads Gilbert, một bác sĩ người Na Uy đã từng làm việc tại bệnh viện Al Shifa nhiều lần, bao gồm cả trong ba cuộc xung đột công khai giữa Hamas và Israel, gọi những cáo buộc này là “cũ”.
“Chúng tôi đã nghe thấy những tuyên bố vô căn cứ này trong các cuộc tấn công năm 2009 và 2014. Chúng tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ dấu hiệu hay bằng chứng nào, chúng tôi không có hạn chế nào đối với việc quay phim và chụp ảnh ở Al Shifa và chưa bao giờ bị kiểm soát dưới bất kỳ hình thức nào”, ông nói với CNN.
Hôm thứ Năm, người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói với CNN rằng hơn 1/3 số bệnh viện ở Gaza và gần 2/3 số phòng khám đã ngừng hoạt động do thiệt hại vì chiến sự hoặc thiếu nhiên liệu.
Theo Minh Hạnh (Tiền Phong)