Với việc thông báo rằng một chiếc tiêm kích F-16 của Pakistan đã bị bắn rơi hôm 27-2, không quân, hải quân và lục quân Ấn Độ tuyên bố họ đang trong tình trạng báo động cao và sẵn sàng đánh bại các mối đe dọa, theo hãng tin RT ngày 28-2.
Phát biểu tại buổi họp báo hôm 28-2, Phó Nguyên soái Không quân Ấn Độ RGK Kapoor xác nhận chiếc tiêm kích MiG-21 Bison của Ấn Độ đã bắn rơi một tiêm kích F-16 trong không phận Ấn Độ vào ngày 27-2. Ông Kapoor nhấn mạnh, F-16 này là một trong những chiến đấu cơ được Pakistan sử dụng để tấn công các cơ sở quân sự của Ấn Độ.
Pakistan ban đầu phủ nhận điều động các tiêm kích F-16 tham gia đợt tấn công vào căn cứ quân sự của Ấn Độ và khẳng định không có bất cứ máy bay quân sự nào của nước này bị Ấn Độ bị bắn rơi.
Tuy nhiên, Không quân Ấn Độ sau đó công bố các bức ảnh về hàng loạt mảnh vỡ của tên lửa AMRAAM do Mỹ sản xuất được tìm thấy ở biên giới Kashmir phía Ấn Độ - tên lửa được cho là do tiêm kích F-16 của Pakistan phóng ra trong một cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự của Ấn Độ hôm 27-2.
Thiếu tướng Surinder Singh Mahal của Ấn độ cho hay chiếc F-16 đã tấn công các vị trí quân sự của Ấn Độ nhưng không gây thiệt hại đáng kể.
“Thực tế là Pakistan đã nhắm mục tiêu vào các căn cứ quân sự nhưng chúng tôi đã làm phá sản kế hoạch của họ. Vụ tấn công không thể gây ra bất kỳ thiệt hại đáng kể nào do phản ứng nhanh chóng của Không quân Ấn Độ”, Thiếu tướng Surinder Singh Mahal nói.
Ông Mahal cho biết, để đáp trả, các hệ thống vũ khí của Ấn Độ đã sẵn sàng và các lực lượng cơ giới đã đặt trong tình trạng trực chiến. “Chúng tôi đã chuẩn bị toàn diện nhằm đáp trả mọi khiêu khích”, ông Mahal khẳng định.
Trong trường hợp có sự gây hấn thêm, Chuẩn đô đốc D.S. Gujral đảm bảo sẽ có “phản ứng kiên quyết, nhanh chóng và mạnh mẽ” của Hải quân Ấn Độ, vốn đã và đang được triển khai “trong tình trạng sẵn sàng cao và duy trì trạng thái cân bằng ở ba chiều: trên đất liền, trên biển và trên không”.
Theo hãng tin Sputnik News, tại buổi họp báo, các quan chức Ấn Độ cảnh báo New Delhi vẫn duy trì chuẩn bị tiếp tục tấn công các trại khủng bố bên trong lãnh thổ Pakistan trừ khi Islamabad đồng ý hỗ trợ chiến dịch đánh những kẻ khủng bố của Ấn Độ.
Quan hệ Ấn Độ-Pakistan xấu đi kể từ sau vụ đánh bom liều chết xảy ra ở bang Kashmir ở phần lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát, làm ít nhất 40 binh sĩ nước này thiệt mạng vào ngày 14-2. Căng thẳng hai nước leo lên một tầm mới khi quân đội Pakistan bắn rơi hai máy bay quân sự Ấn Độ đang làm nhiệm vụ không kích các nhóm vũ trang ở bang Kashmir hôm 27-2.
Cụ thể, hôm 26-2, Không quân Ấn Độ đã tiến hành không kích một trại huấn luyện của nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammed ở phần lãnh thổ Kashmir do Pakistan kiểm soát nhằm đáp trả vụ đánh bom hôm 14-2, bất chấp phản đối của Pakistan. Ngày hôm sau, tức 27-2, cả Ấn Độ và Pakistan đã tiến hành các đợt không kích lẫn nhau dọc biên giới Kashmir đang tranh chấp.
Quân đội Pakistan ngày 27-2 tuyên bố đã bắn hạ hai chiến đấu cơ của Ấn Độ, trong đó có một chiếc rơi xuống lãnh thổ Pakistan và một phi công đã bị bắt giữ. Phía Ấn Độ sau đó cũng tuyên bố một chiếc tiêm kích của Pakistan đã bị bắn hạ. Viên phi công Ấn Độ bị Pakistan bắt giữ được xác định là Trung tá Không quân Abhinandan Varthaman. Pakistan cũng đã đồng ý thả viên phi công này như một cử chỉ hòa bình.
Theo đài BBC, cả New Delhi và Islamabad đều tuyên bố chủ quyền với bang Kashmir, vốn có phần đông dân số theo Hồi giáo nhưng mỗi bên chỉ kiểm soát một phần của bang. Ấn Độ kiểm soát khoảng 43% khu vực này, được gọi là bang Jammu và Kashmir, trong khi Pakistan kiểm soát khu vực phía Tây Bắc, chiếm khoảng 37% vùng đất, 20% còn lại do Trung Quốc kiểm soát.
Đài CNN cho biết, Ấn Độ và Pakistan đã trải qua ba cuộc chiến tranh kể từ khi hai nước giành độc lập khỏi Anh vào năm 1947, một trong số cuộc chiến này liên quan đến tranh chấp ở bang Kashmir vào năm 1947 và 1965.
Theo Thiên Thanh (Pháp Luật TPHCM)