"Lý do dẫn tới nhiều ca bệnh nặng khá phức tạp. Một là các biện pháp đối phó dịch bệnh trong những ngày đầu không hiệu quả... Hai là tình trạng thiếu trang thiết bị tại các bệnh viện," bà Jiao nói trong cuộc phỏng vấn trực tiếp với CCTV.
Theo số liệu của bà Jiao, trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, trung bình mỗi bệnh nhân nhập viện sau 9,84 ngày.
Đây là khoảng thời gian chờ đợi mà bà Jiao đánh giá là quá dài, và trong thời gian chờ đợi này, bệnh nhân không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn tới trở bệnh nặng.
Bên cạnh đó, khi bệnh nhân nhập viện, lực lượng y bác sĩ và nhân viên y tế cũng không đủ dày để chăm sóc họ.
"Thường trong một bệnh viện có khoảng 10% số giường bệnh thuộc đơn vị điều trị tích cực. Thế nhưng hiện nay các bệnh viện ở Vũ Hán đang phải chuyển đổi tất cả các phòng bệnh thành đơn vị điều trị tích cực. Đây là một thử thách rất lớn," bà Jiao đánh giá.
Việc thiếu các thiết bị như bình oxy và máy thở tại các đơn vị điều trị tích cực là vấn đề lớn nhất hiện nay, bà bổ sung.
Tuy vậy, tình trạng trên đang được cải thiện khi trang thiết bị được đưa về các bệnh viện tại Vũ Hán để phục vụ điều trị cho các bệnh nhân.
"Mọi việc đang diễn ra tốt hơn, trang thiết bị đã được chuyển về Vũ Hán. Những khó khăn đang được khắc phục," bà nói.
Theo thông tin từ Ủy ban Y tế Trung Quốc, số ca bệnh nặng tại Vũ Hán hiện nay đã giảm từ 38% ở giai đoạn dịch bệnh bùng phát xuống 18%. Bà Jiao Yahui cho rằng đây là tín hiệu tích cực, nhưng nhấn mạnh công tác phòng chống dịch cần phải được tiếp tục triển khai. Bên cạnh đó, bà nói không nên dựa vào tỷ lệ các ca bệnh nặng để đánh giá bản chất dịch bệnh.
"Với các ca bệnh nặng, chỉ sử dụng thuốc kháng sinh chống virus là không đủ. Nhiều cơ quan nội tạng có thể bị ảnh hưởng gián tiếp bởi căn bệnh, do đó phải có phương pháp điều trị toàn diện," bà cho biết.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)