Thương chiến với Mỹ, biểu tình ở Hồng Kông bao trùm hội nghị
Những dấu hiệu của mùa hè đã đến với khu nghỉ dưỡng phía Bắc Trung Quốc Bắc Đới Hà: những chiếc dù đã bung, giao thông được kiểm soát và các lãnh đạo Đảng ở khu vực ghé qua để đảm bảo mọi sự chuẩn bị đã đâu vào đấy cho những vị khách quan trọng nhất.
Bắc Đới Hà, địa điểm được gọi là thủ đô mùa hè của Trung Quốc, cách Bắc Kinh hơn 200 cây số, hằng năm đều là nơi diễn ra cuộc họp có sự tham gia của những lãnh đạo Đảng hàng đầu, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình, các cố vấn cao cấp cũng như những lãnh đạo đã nghỉ hưu.
Trong khi lịch làm việc, danh sách khách mời và ngày chính thức diễn ra đều trong vòng bí mật nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy sự kiện này đã diễn ra, như là các biện pháp hạn chế giao thông có hiệu lực từ thứ Bảy và kéo dài đến 18/8.
Cuộc họp năm nay, dường như sẽ không có sự tham gia của ông Tập và các lãnh đạo tại nhiệm cho đến đầu tháng sau, có thể bàn thảo sâu hơn về những mối nguy mà Trung Quốc phải đối mặt cả trong và ngoài nước.
Kết quả của cuộc họp này sẽ dự báo trước những thay đổi chính sách của Trung Quốc, khi các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về tình hình chậm lại của nền kinh tế, cuộc chiến tranh thương mại đang căng thẳng với Mỹ và kế hoạch kỷ niệm 70 năm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Sự bất ổn ở Hồng Kông, các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ và lễ kỷ niệm 70 năm có thể sẽ chi phối các cuộc thảo luận ở Bắc Đới Hà trong năm nay, Minxin Pei, tác giả của cuốn sách Chủ nghĩa tư bản thân hữu Trung Quốc, đồng thời là giáo sư tại trường Claremont McKenna ở California, Mỹ cho hay.
Về một số vấn đề cụ thể như các cuộc đàm phán thương mại, kết luận từ Bắc Đới Hà có thể có tác động quyết định, ông nói thêm.
Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay được tổ chức khi có những nghi ngại về khả năng đưa ra một thỏa thuận đình chiến với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang tiếp tục đe dọa áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, ngay cả sau khi đã nhất trí nối lại đàm phán thương mại trong cuộc gặp với ông Tập tháng trước ở Nhật.
Hơn nữa, những cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần ở Hồng Kông nhằm phản đối dự luật dẫn độ, và việc bà Thái Anh Văn, có hy vọng chiến thắng nhiệm kỳ lãnh đạo thứ 2 tại Đài Loan cũng là vấn đề đáng quan tâm.
Các quan chức Trung Quốc phụ trách Hồng Kông đang thực hiện một "chiến lược toàn diện" để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại đây và sẽ sớm trình lên lãnh đạo cấp cao, tờ South China Morning Post đưa tin hôm thứ Năm, trích dẫn nguồn thạo tin.
Củng cố vị thế lãnh đạo của ông Tập
Cuộc họp ở Bắc Đới Hà có truyền thống lâu đời từ thời của nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông. Quyết định của cuộc họp này đã dẫn đến kế hoạch Đại nhảy vọt vào năm 1958.
Gần đây, sau các cuộc họp ở Bắc Đới Hà, đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng như truy tố thành viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai vào năm 2012 và việc tái cấu trúc của Quân đội Giải phóng Nhân dân vào năm 2015.
Cuộc họp này là nơi các nhà lãnh đạo tại nhiệm đi đến thống nhất trước các kỳ họp đảng quan trọng chính thức được tổ chức vào mùa thu ở Bắc Kinh.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu quốc gia sẽ "biến mất" khỏi sự theo dõi của công chúng trong suốt thời gian diễn ra cuộc họp, tăng thêm sự bí ẩn xung quanh sự kiện này. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập hầu như không xuất hiện trên trang nhất của tờ Nhân dân nhật báo trong 15 ngày, từ 31/7 đến muộn nhất là 17/8.
Chỉ có một số trường hợp ngoại lệ như thiên tai và các sự kiện lớn khác, chẳng hạn như khi ông Tập có cuộc điện đàm với Tổng thống Trump vào 12/8. Vì vậy, việc lên kế hoạch cho các cuộc họp cấp cao, chẳng hạn như các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, sẽ khó khăn hơn.
Năm ngoái, cuộc họp ở Bắc Đới Hà dường như đã củng đã củng cố vị thế chính trị của ông Tập, nhà nghiên cứu Minxin Pei cho hay. "Thời điểm này, tôi cho rằng điều đó thậm chí còn quan trọng hơn khi một nhà lãnh đạo cứng rắn như ông Tập cần xây dựng sự ủng hộ từ nhân sự cấp cao bất cứ khi nào ông cần", GS trường Claremont McKenna nhấn mạnh.
Theo Minh Khôi (Soha/Trí Thức Trẻ)