"Chúng ta có thể mở rộng các biện pháp trừng phạt. Chẳng hạn với các biện pháp, các trừng phạt đã ban hành, chúng ta có thể áp dụng với nhiều mục tiêu hơn. Áp dụng chúng với nhiều ngành nghề hơn," ông Singh nói trong chương trình "60 Minutes" của đài CBSNews.
Quan chức này nói thêm rằng các biện pháp trừng phạt có thể nhắm mục tiêu vào ngành ngân hàng của Nga, cũng như dầu và khí đốt.
"Chủ yếu là áp dụng trừng phạt với dầu và khí đốt, nhưng cũng có những ngành khác nữa. Tôi không muốn nêu cụ thể, nhưng tôi nghĩ tổng thống Nga Vladimir Putin biết rõ," ông Singh nói thêm.
Khi được hỏi về việc liệu tổng thống Nga Putin có thể làm gì để Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, Singh cho biết điều này khó xảy ra trong tương lai gần.
"Chúng ta chưa tới gần thời điểm đó," ông nói thêm.
Singh cũng dự đoán nền kinh tế nga sẽ "co lại chỉ còn một nửa so với trước đây".
"Gần như ngay lập tức sau khi các lệnh trừng phạt lớn được ban hành, đồng rúp đã sụp đổ, mất 1/3 giá trị. Sở giao dịch chứng khoán Moscow đã phải đóng cửa. Người Nga đã phải xếp hàng dài tại các máy ATM và vội mua hết sản phẩm trong các cửa hàng," quan chức này cho biết.
Bên cạnh đó, Singh cũng nhấn mạnh rằng đã có nhiều quốc gia ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga từ khi nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trong vài ngày qua, Australia đã thêm 11 ngân hàng vào danh sách trừng phạt của mình. Nhật Bản đưa thêm 15 quan chức Nga vào số người bị áp các biện pháp hạn chế. Theo Viện Brookings, hơn 30 quốc gia đã tung ra tổng cộng 2.500 lệnh trừng phạt nhằm vào các mục tiêu của Nga, bao gồm cả chính ông Vladimir Putin", ông Singh nói thêm.
Hà An (Nguoiduatin.vn)