Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen hôm 21/7, Michael Collins, trợ lý phó giám đốc Trung tâm Sứ mệnh Đông Á của CIA, tuyên bố Trung Quốc đang âm thầm tiến hành "Chiến tranh lạnh" chống lại Mỹ.
"Cuối cùng, Trung Quốc muốn mọi quốc gia trên thế giới, khi quyết định lợi ích của mình về mặt chính sách, phải luôn lựa chọn đứng về phe của Trung Quốc thay vì Mỹ, bởi Trung Quốc đang ngày càng xác định rõ một cuộc xung đột hệ thống với Mỹ và những gì chúng ta ủng hộ", ông Collins nói.
Mối đe dọa lớn nhất của Mỹ
Quan chức CIA cho biết cuộc "Chiến tranh lạnh" mà Trung Quốc đang âm thầm theo đuổi không giống với cuộc Chiến tranh Lạnh của thế kỷ 20 mà sẽ là sự đối đầu của sức mạnh mềm, khi Bắc Kinh sử dụng mọi nguồn lực nắm trong tay, từ hợp pháp tới bất hợp pháp, từ kinh tế tới ảnh hưởng quân sự, nhằm làm suy yếu vị thế của Mỹ.
Đánh giá về tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình vừa được ghi nhận vào hiến pháp Trung Quốc gần đây, ông Collins cho biết Trung Quốc hiện là thách thức toàn cầu to lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt.
"Trung Quốc tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều so với những gì Nga có thể tạo ra", ông Collins nói.
Không chỉ có Michael Collins, một số quan chức an ninh cấp cao khác của Washington cũng chỉ đích danh Trung Quốc là hiểm họa lớn nhất đối với Mỹ, trong đó có Giám đốc FBI Christopher Wray và Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Dan Coats.
"Về khía cạnh phản gián, Trung Quốc là đất nước tạo ra mối đe dọa lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt. Cả gián điệp kinh tế lẫn gián điệp truyền thống, thu thập tinh tức tình báo theo cách thức phi truyền thống cũng như các hoạt động tình báo truyền thống, sử dụng con người cũng như tấn công điện tử", ông Wray phát biểu hôm 19/7.
Trong khi đó, Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Dan Coats chỉ trích những nỗ lực mang tính nhà nước của Trung Quốc nhằm ăn cắp bí mật kinh doanh và nghiên cứu khoa học của Mỹ cũng như các quốc gia khác. Ông Coats cho rằng đã đến lúc Mỹ cần xác định rõ liệu Trung Quốc có phải là "đối thủ thực sự" và Mỹ phải "vạch rõ lằn ranh" để ngăn chặn.
Vị thế quốc phòng gia tăng của Trung Quốc
Marcel Lettre, cựu thứ trưởng quốc phòng phụ trách tình báo của Mỹ, nhận định các hoạt động, trong đó Bắc Kinh sử dụng các chiến lược chính trị, quân sự và tài chính nhằm thiết lập và củng cố sự hiện dịnh tại các quốc gia ở khu vực châu Á và vươn ra toàn cầu, chỉ là một công cụ Trung Quốc sử dụng nhằm mở rộng và gia tăng ảnh hưởng.
"Trung Quốc có ngân sách quốc phòng lớn thứ 2 thế giới, lực lượng bộ binh lớn nhất thế giới, lực lượng không quân đứng thứ 3 thế giới, lực lượng hải quân có 300 tàu chiến gồm hơn 60 tàu ngầm, tất cả các lực lượng này đều đang được hiện đại hóa và nâng cấp. Những nâng cấp này được định hướng theo những cải tiến Mỹ đã thực hiện trong vài thập kỷ qua", ông Lettre cảnh báo.
Trung Quốc ra mắt tàu sân bay tự sản xuất đầu tiên hồi tháng 5, không lâu sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố kế hoạch xây dựng một lực lượng hải quân "đẳng cấp thế giới". Dẫu các chuyên gia quân sự nhận định tàu sân bay của Trung Quốc lạc hậu và bị tàu sân bay của Mỹ bỏ xa về mặt công nghệ, tàu sân bay vẫn sẽ giúp nâng tầm năng lực quân sự của Trung Quốc tại khu vực châu Á.
Trong khi đó, Trung Quốc đã thiết lập hệ thống cảng biển trải dài từ Ấn Độ Dương tới tận Djibouti. Quốc gia châu Phi này cũng là nơi Bắc Kinh thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên tại nước ngoài, với 2 tàu chiến cùng một số lượng binh sĩ không được tiết lộ.
Cuộc đối đầu của sức mạnh mềm
Một phần trong chiến lược an ninh quốc gia chính quyền Tổng thống Trump công bố tháng 12/2017 chỉ ra các bước đi của Mỹ đối đầu với Trung Quốc trên lĩnh vực công nghệ và điện tử. Washington cũng muốn phối hợp với các đối tác toàn cầu nhằm đối phó lại các hành động phi pháp của Bắc Kinh và buộc Trung Quốc chấp nhận các chuẩn mực và luật chơi quốc tế.
Trong khi phần lớn thế giới tập trung đối phó với các cuộc khủng hoảng, bao gồm cuộc chiến chống khủng bố sau sự kiện 11/9, Trung Quốc kiên định với một mục tiêu duy nhất suốt nhiều năm qua. Các quan chức và chuyên gia Mỹ cho rằng những sự kiện liên tiếp xảy ra trong thập kỷ qua tạo ra cơ hội giúp Trung Quốc phát triển và mở rộng ảnh hưởng nhanh chóng.
"Người Trung Quốc tận dụng rất tốt các cơ hội, họ đã tận dụng nó khi chúng ta tập trung vào Trung Đông trong nửa đầu những năm 2000, và sau đó chúng ta mắc kẹt với cuộc khủng hoảng tài chính. Chúng ta phải trở lại với những gì chúng ta luôn làm tốt", Susan Thornton, cựu trợ lý bộ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách Quan hệ Đông Á và Thái Bình Dương, nhận định.
Bà Thornton cho rằng Mỹ hiện vẫn có sức mạnh mềm lớn hơn Trung Quốc, bởi hệ thống mà Washington vận hành luôn có sự hấp dẫn lớn hơn so với Bắc Kinh. "Đó là bởi các đối tác khắp thế giới biết chúng ta sẽ sát cánh cùng họ, chúng ta sẽ không áp đặt ý chí lên họ, và chúng ta sẽ phối hợp làm việc cùng họ".
Trong khi đó, Collins nhận định ngay cả các đối tác của Trung Quốc cũng không hào hứng sao chép cách thức vận hành của quốc gia 1,3 tỷ dân này. "Tôi lạc quan rằng trong cuộc chiến về chuẩn mực và quy tắc ứng xử, trật tự quốc gia tự do (của Mỹ) hấp dẫn hơn những tiêu chuẩn mà Trung Quốc thực thi".
Theo Duy Anh (Tri Thức Trực Tuyến)