Quan chức cảnh báo Nhật Bản có thể 'biến mất' vì tỷ lệ sinh giảm

06/03/2023 14:41:32

Nhật Bản sẽ biến mất nếu không chặn đà giảm tỷ lệ sinh đang gây nguy cơ cho an sinh xã hội và kinh tế, theo cố vấn của thủ tướng Fumio Kishida.

Quan chức cảnh báo Nhật Bản có thể 'biến mất' vì tỷ lệ sinh giảm
Ảnh minh họa: Reuters

"Nếu chúng ta tiếp tục thế này, Nhật Bản sẽ biến mất," bà Masako Mori nói trong cuộc phỏng vấn tại Tokyo, sau khi nước này hôm 28/02 công bố số trẻ em ra đời năm 2022 giảm xuống mức thấp kỷ lục.

"Những người phải sống qua quá trình biến mất sẽ đối mặt với thiệt hại to lớn. Đó là căn bệnh tồi tệ sẽ ảnh hưởng tới trẻ em," bà Mori nói.

Năm ngoái, Nhật Bản ghi nhận 800.000 trẻ em ra đời, nhưng có tới 1,58 triệu người qua đời. Thủ tướng Fumio Kishida đã cam kết tăng gấp đôi chi tiêu cho trẻ em và gia đình, trong nỗ lực kìm đà giảm tỷ lệ sinh vốn đang diễn ra nhanh hơn dự báo.

Dân số Nhật Bản đã giảm xuống còn 124,6 triệu người, sau khi đạt đỉnh 128 triệu hồi 2008, và đà giảm đang tăng. Tỷ lệ người trên 65 tuổi tăng lên hơn 29% hồi năm ngoái. Dù Hàn Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh thấp hơn, dân số Nhật Bản đang giảm nhanh hơn.

"Dân số không giảm dần dần mà đang giảm rất nhanh," bà Mori nhận xét. "Giảm dân số quá nhanh đồng nghĩa trẻ em sinh ra lúc này sẽ bị ném vào một xã hội méo mó, thu hẹp và không thể vận hành", bà nói thêm.

Nếu không hành động, hệ thống an sinh xã hội sẽ sụp đổ, sức mạnh công nghiệp và kinh tế suy giảm, trong khi Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ không tuyển đủ người để bảo vệ đất nước, bà Mori bổ sung.

Việc đảo ngược đà giảm lúc này sẽ rất khó khăn dò số lượng phụ nữ ở tuổi sinh ở đã giảm, nhưng chính phủ Nhật Bản cần làm mọi thứ để làm chậm đà giảm và giảm thiểu thiệt hại, bà nói.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida vẫn chưa công bố nội dung của gói chi tiêu mới, nhưng khẳng định gói này sẽ "có chiều sâu" khác chính sách trước đây. Ông đã nhắc tới tăng trợ cấp trẻ em, cải thiện các dịch vụ chăm sóc trẻ em và thay đổi phong cách làm việc.

Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng việc tăng chi tiêu cho các gia đình có trẻ em là không đủ để giải quyết vấn đề. Nghiên cứu từ một ủy ban của chính phủ về bình đẳng giới cho thấy các thay đổi sâu rộng là cần thiết, trong đó có giảm gánh nặng cho phụ nữ nuôi con và giúp họ trở lại lực lượng lao động dễ dàng hơn sau khi sinh nở.

Linh Giang (Nguoiduatin.vn)

 

Nổi bật