"Để tôi sống, tôi sẽ lại giết người"
"Tôi đã giết những người đàn ông đó, cướp của họ, không hề ghê tay. Tôi sẽ còn làm thế. Không có lí nào lại để tôi sống, vì tôi sẽ giết người tiếp… Tôi ghét cay ghét đắng cuộc sống con người", Aileen Wuornos tuyên bố trước tòa năm 2001.
Tháng 1/1992 - 1 năm sau khi bị bắt, Wuornos bị tuyên tử hình vì giết người. Nạn nhân là Richard Mallory, 52 tuổi – người mà Wuornos khẳng định đã cưỡng hiếp cô, và rằng cô bắn chết ông ta chỉ để tự vệ. Mallory đã ngồi tù nhiều năm vì tấn công tình dục.
Suốt nhiều năm đứng trước vành móng ngựa, tự vệ là lí do Wuornos đưa ra để biện hộ cho tất cả 7 lần sát hại dã man các nam nạn nhân (từ 1989 – 1990), bao gồm cả 1 vụ không đủ chứng cứ để kết tội. Nhưng cũng chính Wuornos là người từ bỏ quyền kháng cáo, nhận hết tội và liên tục yêu cầu đẩy nhanh quá trình tử hình mình.
Luật sư Raag Singhal từng nói về thân chủ mình: "Một người hôm trước còn rất tự tin, nhưng 3 ngày sau gặp lại thì đã khác. Suốt một thời gian dài cô ấy minh mẫn và dễ trò chuyện. Có những lần gặp, cô ấy chẳng làm sao. Rồi có những lần, cô ấy rõ ràng có vấn đề về tâm thần".
Dù vậy, 3 bác sĩ được mời tới giám định tâm thần cho Wuornos đều khẳng định hung thủ hoàn toàn đủ năng lực hành vi để tự đưa ra quyết định.
Chính Wuornos cũng khẳng định bản thân hoàn toàn tỉnh táo và biết mình muốn gì. "Tôi phát ốm khi phải nghe những câu kiểu như "cô ta điên rồi". Tôi đã trải qua nhiều lần đánh giá. Tôi tỉnh táo, có thể chịu trách nhiệm, và tôi đang cố gắng nói sự thật. Tôi sẽ làm kiểm tra với máy nói dối về từng từ mình nói ra".
Hình ảnh Wuornos trước khi bị tử hình bằng tiêm thuốc độc, bình tĩnh uống café và tuyên bố "Tôi sẽ quay lại vào ngày 6/6" đã tác động lớn tới tâm trí luật sư Singhal. Cho tới bây giờ, ông Singhal vẫn còn băn khoăn về mức án dành cho cô, khi so sánh với những vụ giết người hàng loạt tương tự khác, như vụ của Ted Bundy. "Kẻ như Ted Bundy bị kết án tù chung thân, thế mà Aileen Wuornos dường như chẳng có kết cục nào khác ngoài cái chết".
Sự phản bội cuối cùng
Xuất hiện trong phòng xử án với tư cách nhân chứng, Tyria Moore phủ nhận lời bào chữa rằng nghi phạm – cũng là người yêu đồng giới của mình, bắn chết Mallory để tự vệ. Theo Moore, Wuornos trở về nhà sau khi giết người, không hề bị thương hay tỏ ra sợ hãi về việc người đàn ông khác giở trò sàm sỡ.
Luật sư công William Miller, người được chỉ định bào chữa cho Wuornos tại thời điểm đó đã phản bác lời khai của Moore, bởi cô đã hợp tác với cảnh sát để "gài bẫy" người tình. Cảnh sát có băng ghi âm 11 cuộc trò chuyện điện thoại giữa cả 2, đổi lại, Moore được tự do.
Trong 4 ngày liên tiếp, các điều tra viên cho Moore "rất nhiều bia và bánh mì kẹp thịt" và hướng dẫn cô khơi gợi để Wuornos kể lại những vụ giết người mình đã thực hiện. Qua điện thoại, Moore sợ hãi đến mức muốn tự tử, còn Wuornos lo lắng trấn an: "Em vô tội. Tôi sẽ không để em phải vào tù. Nếu phải thú nhận, thì người đó là tôi". Cuối cùng, dù biết mình đã bị người yêu lừa dối, Wuornos thực sự đã nhận tội và tuyên bố Tyria Moore không hề liên quan.
Sue Russel, tác giả cuốn sách về cuộc đời Wuornos cho rằng, hơn cả tình yêu, Moore giống như "mỏ neo mà Aileen kiếm tìm" để có thể sống tiếp cuộc đời đau thương và bất ổn của mình.
Wuornos bị mẹ bỏ rơi từ nhỏ, bố tự tử trong tù và chưa một lần nhìn thấy mặt con gái, ông ngoại bạo hành, lạm dụng. Người phụ nữ này sinh con ở tuổi 14 vì bị một người bạn của ông xâm hại tình dục.
Suốt nhiều năm, Wuornos sống tạm bợ trong các phòng trọ, trên đường phố Florida và kiếm sống bằng nghề mại dâm. Cô nhiều lần bị buộc tội hành hung, trộm cắp, cướp có vũ trang… Cuộc hôn nhân chớp nhoáng với chủ tịch câu lạc bộ du thuyền 69 tuổi giàu có kết thúc vì Wuornos dùng gậy tấn công ông ta.
''Cô ấy sống như một con thú hoang, kẻ bên rìa xã hội, phục vụ nhu cầu tình dục cho đàn ông", Patty Jenkins, đạo diễn bộ phim về cuộc đời thật của Wuornos bày tỏ.
Vô cùng đáng sợ, vô cùng can đảm
Aileen Wuornos được xem là nữ sát nhân hàng loạt khét tiếng nhất nước Mỹ, nhưng cũng là nàng thơ trong nhiều tác phẩm nghệ thuật. Ít nhất 7 bài hát, 1 vở opera, 2 bài thơ, 2 bộ phim ra đời, lấy cảm hứng từ cô. Cuộc đời đầy rẫy đau đớn của Wuornos cũng được kể lại trong 2 cuốn sách và 3 bộ phim tài liệu.
Patty Jenkins, đạo diễn phim Monster (Quái Vật) đã phải thốt lên: "Đúng là cô ấy đã gây tội ác, nhưng có điều gì đó ở cô ấy khiến tôi không thể ngoảnh mặt làm ngơ, cô ấy đã rất đau khổ, vô cùng đáng sợ, nhưng cũng vừa can đảm, vừa đáng thương. Can cảm không phải ở những gì cô ấy làm, mà bởi cô ấy chọn tiếp tục sống". Để hoàn thành bộ phim kể lại một phần cuộc đời Aileen Wuornos, Jenkins đã trao đổi thư từ với nữ tử tù trong suốt một thời gian dài.
Nick Broomfield, đạo diễn 2 bộ phim tài liệu về Aileen Wuornos cũng dành rất nhiều thời gian để trò chuyện và tham gia các phiên tòa xử cô. Cho tới giờ, ông vẫn không thể quên đôi mắt của nhân vật mình từng tiếp xúc. "Chúng vô hồn, buồn và rất đáng sợ".
Vốn yêu thích khai thác yếu tố phiêu lưu điều tra và âm mưu tàn độc, nhưng với phim tài liệu về Wuornos, Broomfield đã làm khác đi. Tờ The Boston Globe nhận định, vị đạo diễn này đã làm nó bằng rất nhiều sự cảm thông. "Có lẽ bởi ông ấy biết mình không cứu được Wuornos, nên đã khắc họa hình ảnh của chính cô: một con thú bị thương, một kẻ tử vì đạo tự hủy hoại mình và tất cả bi kịch".
Theo Miên Di (Pháp Luật & Bạn Đọc)