Tên sát thủ bí ẩn đến và đi đột ngột như một làn gió khiến cả đất nước Nhật Bản điên đảo trong một thời gian dài.
Hình ảnh phác thảo “Quái vật 21 bộ mặt” |
Từ vụ tống tiền hụt…
Thập niên 1980, đất nước Nhật điên đảo vì một tên sát thủ có biệt danh “Quái vật 21 khuôn mặt”. Hàng loạt vụ án gây ra ở đất nước Mặt trời mọc trong 17 tháng khiến người dân không khỏi bất an.
Vụ việc bắt đầu từ ngày 18.3.1984 khi ông Katsuhida Ezaki, giám đốc điều hành nhà máy kẹo Glico bị hai người đàn ông bắt cóc. Ezaki bị nhốt trong nhà kho và bọn tội phạm đòi 1 tỷ yên tiền chuộc. Ông Ezaki đã may mắn trốn thoát khỏi vòng vây của bọn bắt cóc.
Tuy nhiên, vận may tưởng như bất ngờ với Ezaki kéo theo rất nhiều sự kiện đen tối cho doanh nghiệp Glico.
Tháng 4.1984, vài chục chiếc xe đậu bên ngoài trụ sở chính nhà máy Glico bị phóng hỏa, thiêu rụi. Cảnh sát Nhật nghi ngờ vụ việc liên quan tới trường hợp ông Ezaki bị bắt cóc cách đó ít lâu. Dù vậy, kết quả điều tra không dẫn tới câu trả lời cụ thể. Cơ quan chức năng chỉ lờ mờ đoán rằng sau vụ tống tiền hụt, kẻ thủ ác đang nhằm vào Glico và các nhân viên.
…đến lời đe dọa tẩm thuốc độc
Sau đó một tháng, công ty Glico nhận được bức thư nặc danh kèm chữ kí “Quái vật 21 khuôn mặt”. Trong thư, tác giả đe dọa sẽ bơm chất độc chết người xyanua vào kẹo của nhà máy Glico để khiến toàn bộ sản phẩm bị nhiễm độc. Tất cả kẹo của Glico sau đó phải thu hồi trên toàn nước Nhật. Vì vụ việc này mà Glico mất 20 triệu USD, 400 nhân viên bị sa thải.
Trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện camera an ninh ghi lại cảnh một người đàn ông lạ mặt cố tình để các gói kẹo gắn mác Glico lên siêu thị. Họ cho rằng đây là cách “Quái vật 21 khuôn mặt” truyền chất độc vào kẹo. Dù vậy manh mối này không giúp giải quyết bài toán hóc búa.
Người đàn ông bí ẩn đặt những túi kẹo Glico lên giá ở siêu thị |
Thậm chí sau đó, tên sát thủ còn viết thư cho cảnh sát với nội dung: “Lũ cảnh sát ngu ngốc, đừng dối trá nữa. Tội ác ở Nhật đều xuất phát từ lời nói dối đấy. Chúng mày có biết là đang thua cuộc không?”.
Ngoài Glico, tất cả doanh nghiệp sản xuất kẹo bánh ở Nhật Bản đều ảnh hưởng nghiêm trọng. Doanh số sụt giảm, lợi nhuận tụt không phanh và hàng ngàn công nhân bị sa thải. Cuối tháng 6.1984, “Quái vật 21 khuôn mặt” đưa ra tối hậu thư khẳng định sẽ chấm dứt hành động phá hoại nếu nhận đủ 50 triệu yên. Hắn yêu cầu số tiền này được ném khỏi cửa tàu cao tốc ở một vị trí do hắn chọn trước tại Kyoto.
Tới ngày giao hẹn, cảnh sát lên tàu và tìm cẩn thận nhưng không thấy địa điểm dọc đường sắt nào có đánh dấu bằng cờ trắng như yêu cầu. Họ chỉ để ý thấy một hành khách dáng người cao lớn, ánh mắt sắc lạnh trên tàu. Nghi ngờ đây chính là thủ phạm, cảnh sát vây bắt nhưng kẻ tình nghi đã đi trước một bước. Hắn xuống tàu và thoát khỏi sự truy lùng gắt gao của cảnh sát.
Sau đó 4 tháng, “Quái vật 21 khuôn mặt” gửi thư cho các bà mẹ ở Nhật Bản và nói rằng đã tẩm độc vào 20 gói kẹo đặt khắp các siêu thị, tiệm tạp hóa trên cả nước. Cảnh sát Nhật ngay lập tức được điều động nhưng chỉ thu giữ được 10 gói kẹo khả nghi có tẩm độc. Đầu năm 1985, video một cửa hàng kẹo ở Kyoto đã giúp cảnh sát phác thảo được chân dung hung thủ. Tuy nhiên, chưa từng có ai nhìn thấy kẻ thủ ác.
Tháng 8.1985, giám đốc sở cảnh sát trực tiếp điều tra vụ việc đã tự thiêu vì quá áp lực. Trong thư gửi cảnh sát, “Quái vật 21 khuôn mặt” viết: “Giám đốc cảnh sát đã chết, thật ngu xuẩn. Cảnh sát làm gì mà suốt thời gian qua không bắt được tao? Hãy xem đây là bài học và chỉnh đốn cách điều tra. Tao chán hành hạ các công ty rồi. Nếu có kẻ đe dọa thì đó là những tên bắt chước và mạo danh. Tao sẽ chấm dứt tại đây”.
Từ đó đến nay là 31 năm, tung tích của “Quái vật 21 bộ mặt” vẫn là bí ẩn lớn với nước Nhật. Không ai biết hành tung kẻ bí ẩn này là ai và tại sao hắn lại dễ dàng qua mặt cảnh sát tới vậy.
Theo Quang Minh (Dân Việt)