Nếu như Hoàng hậu là một ngoại lệ duy nhất, thường có xuất thân cao quý, thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt thì phi tần được chọn từ nguồn mở rộng, không quan trọng xuất thân sang hèn. Trong triều đại nhà Minh chẳng hạn, tất cả các hộ gia đình có con gái đều phải trải qua quá trình lựa chọn cung nữ - phi tần khi có lệnh. Chỉ những phụ nữ đã kết hôn hoặc có dị tật được địa phương chứng nhận mới được miễn.
Mỗi triều đại sẽ có những dao động khác biệt nhưng về cơ bản việc tuyển chọn cung nữ, khi có chiếu chỉ của Vua, sẽ diễn ra theo các bước như sau. Đầu tiên, một hội động tuyển chọn được thành lập. Hội đồng này sẽ gửi thông báo cho các quan chức đứng đầu các địa phương trong cả nước. Bản danh sách những phụ nữ chưa kết hôn và không dị tật theo từng vùng sau đó được thu thập và gửi trở lại Hội Đồng. Từ đó quá trình xét duyệt tuyển chọn chính thức bắt đầu.
Ví dụ như triều đại nhà Minh đời vua Minh Hy Tông (trị vị 1620-1627) chẳng hạn. Năm 1621, Minh Hy Tông ban chiếu chỉ chọn phi tần. Hội đồng tuyển chọn đứng đầu là Thái giám Ngụy Trung Hiền (một trong những Đại hoạn quan nổi tiếng và giàu quyền lực nhất trong lịch sử Trung Quốc “góp công” lớn làm suy tàn trầm trọng Vương triều của Hy Tông sau này) lập tức gửi thông báo tới cá địa phương.
Từ bản danh sách cung cấp bởi các châu huyện trên cả nước, có tổng cộng 5000 thiếu nữ trẻ trong độ tuổi 13-16 góp mặt ở vòng sơ tuyển phi tần tại Tử Cấm Thành, gồm 4 vòng loại nhỏ. Vòng một, 5000 ứng viên xếp thành hàng, mỗi hàng chẵn 100 người. 1000 người vì quá cao, quá thấp hoặc quá béo quá gầy sẽ bị loại ở vòng này.
Vòng hai, các thành viên trong Hội đồng tuyển chọn – tất nhiên đều là Hoạn quan – sẽ kiểm tra kỹ lưỡng cơ thể của từng thiếu nữ, đánh giá giọng nói và cách cư xử của các ứng viên. Vòng này sẽ loại tiếp 2000 người nữa.
Vòng ba, các Hoạn quan sẽ tập trung vào việc xem xét bàn chân bàn tay đồng thời quan sát đánh giá ngôn ngữ cơ thể của ứng viên qua cách họ đi đứng, di chuyển. Vòng này thêm 1000 người nữa sẽ bị loại. 1000 thiếu nữ còn lại sẽ bước tiếp vào vòng 4, tại đây Hội đồng tuyển chọn sẽ tiến hành việc kiểm tra phụ khoa. Hết vòng 4, Hội đồng sẽ loại tiếp 700 người.
300 thiếu nữ trải qua 4 vòng sơ tuyển sẽ được đưa và hậu cung, nơi họ trải qua hàng loạt các bài kiểm tra về trí thông minh, khí chất và đạo đức kéo dài ít nhất 3 tháng. Ở vòng chung kết này, 50 ứng viên hàng đầu sẽ được chọn làm Phi tần hay thê thiếp cho Hoàng đế. So với quá trình tuyển Phi tần cho Hoàng đế, rõ ràng các cuộc thi Hoa hậu thời hiện đại cũng chẳng khắt khe với lắm công đoạn và yêu cầu cao đến thế!
50 thiếu nữ xuất sắc nhất trên tất cả các phương diện này sẽ tiếp tục đối mặt với những bài thi về Toán học, Văn Học và Nghệ thuật, thậm chí còn trải qua những bài trắc nghiệm từ việc ở cạnh Thái hậu để từ đó có xếp hạng phù hợp trong “tập đoàn phi tần” của vua Minh Hy Tông.
Về cơ bản, phân cấp thứ bậc trong hậu cung của Hoàng đế Trung Quốc sẽ như sau: Hoàng hậu dĩ nhiên chiếm giữ vị trí số 1 với quyền lực cao nhất, thống lĩnh hậu cung. Dưới Hoàng hậu là tập đoàn Phi tần – đứng đầu là Hoàng quý phi, thường được gọi là Phó hậu – chính nhất phẩm. Dưới Hoàng quý phi là Quý phi – chính nhị phẩm, hai người tại vị.
Sau Quí phi là các Phi – chính tam phẩm, thường có 4 người. Dưới Phi là Tần – chính tứ phẩm, có 6 người. Còn lại là nhóm Tiểu chủ, là các thiếu nữ được sắc phong khi mới nhập cung hoặc các Thị thiếp (tỳ thiếp không danh phận) của Hoàng đế trước khi đăng cơ, danh phận thấp hơn bậc Tần. Trong Tiểu chủ tiếp tục phân chia cấp bậc gồm Quý Nhân, Thường tại, Đáp ứng (thấp nhất).
Dĩ nhiên, chỉ một vài trong số hàng trăm, thậm chí hàng ngàn phi tần cung nữ ở hậu cung nhận được sự ân sủng của Hoàng đế. Hầu hết sẽ dành cuộc sống của họ trong sự cô đơn, thậm chí cả đời trong Hậu cung mà không một lần nhìn thấy mặt vua.
Vẻ đẹp ở cả dung mạo và nội tâm của các mỹ nữ phi tần, đại đa số các trường hợp, giống như một lời nguyền hơn là phước lành đổi đời trong các triều đại Phong kiến Trung Hoa.
TẦM HOAN (SHTT)