Quá khứ ấu dâm của nhạc công Anh trước khi đến Việt Nam biểu diễn

13/05/2019 21:25:40

Trinnaman năm 2008 tiếp cận hai thiếu nữ Anh qua mạng, yêu cầu họ gửi ảnh nhạy cảm và gạ gẫm quan hệ tình dục.

Quá khứ ấu dâm của nhạc công Anh trước khi đến Việt Nam biểu diễn
Christopher Trinnaman chụp ảnh với trẻ em Việt Nam năm 2018. Ảnh: Mirror.

Nhạc công kèn trombone Christopher Trinnaman, 41 tuổi, được nhìn thấy biểu diễn cùng một dàn nhạc tại Việt Nam vào tháng 11/2018 và còn chụp ảnh với một nhóm trẻ em Việt Nam. Những hình ảnh này khiến nạn nhân ở Anh của Trinnaman bày tỏ sự bất bình trên mạng xã hội khi thấy ông ta được phép ra nước ngoài sau khi ngồi tù vì tội ấu dâm.

Trong khoảng thời gian từ ngày 1/2 đến ngày 1/4/2018, Trinnaman đã tìm cách xúi giục hai trẻ vị thành niên 13 và 14 tuổi tham gia hoạt động tình dục. Ông ta tự nhận mình là một thiếu niên để bắt chuyện trên mạng với các thiếu nữ.

Trinnaman yêu cầu các cô gái này mô tả thân hình và gửi ảnh nhạy cảm. Ông ta cũng gửi cho họ ảnh vùng kín của mình. Trinnaman khoe rằng ông ta đã quan hệ tình dục với "vô số cô gái bằng tuổi họ" và thậm chí cả với trẻ 11 tuổi.

"Tôi nhận ra ông ta thật quái đản và ngừng trả lời, nhưng ông ta vẫn tiếp tục đeo bám tôi trên các trang mạng xã hội", một nạn nhân kể.

Công tố viên Anh Alex Lewis cho biết Trinnaman đã gợi ý quan hệ tình dục với một thiếu nữ. "Ông ta đề nghị họ gặp nhau tại một khách sạn ở Hull", Lewis nói.

Cảnh sát bắt đầu điều tra Trinnaman sau khi bạn học của một nạn nhân báo cho mẹ cô bé biết về hành vi của ông ta. Họ khám xét căn hộ của vợ chồng Trinnaman tại Dulwich, phía nam London và phát hiện 28 hình ảnh khiêu dâm trẻ em. Trinnaman bị bắt vào cuối năm 2008.

Nạn nhân 14 tuổi sau đó tự tử, còn nạn nhân 13 tuổi phải đi điều trị tâm lý. "Hồi đó tôi còn bé và ngây thơ nên không hiểu được mức độ nghiêm trọng. Tôi đã không nhận ra vấn đề này khủng khiếp như thế nào. Bây giờ, tôi đã hiểu ông ta coi những cô bé dễ bị dụ dỗ như 'miếng mồi'. Ông ta giả vờ quan tâm nhưng thực chất thật đáng kinh tởm", thiếu nữ nói vào năm 2010.

Trinnaman bỏ trốn khi đang được tại ngoại để chờ xét xử vào năm 2009. Nạn nhân đã bày tỏ sự phẫn nộ khi nghe tin này. "Sao lại để những kẻ ấu dâm được tại ngoại khi họ chuẩn bị hầu tòa vì một hành vi phạm tội nghiêm trọng? Thật đáng sợ khi tưởng tượng họ có thể làm những gì khi được tại ngoại. Họ lẽ ra phải bị theo dõi sát sao hơn", thiếu nữ nói.

Quá khứ ấu dâm của nhạc công Anh trước khi đến Việt Nam biểu diễn - 1
Christopher Trinnaman là nhạc công kèn trombone. Ảnh: Mirror.

Năm 2010, Trinnaman bị xử vắng mặt 4 năm tù vì tội dụ dỗ trẻ em quan hệ tình dục và lưu trữ ảnh khiêu dâm trẻ em. Năm 2011, y bị bắt.

Cảnh sát cho rằng ông ta là người "có nguy cơ phạm tội cao" và bị áp Lệnh Phòng chống Nguy cơ Tình dục, tức là bị hạn chế sử dụng Internet và liên hệ với những bé gái dưới 18 tuổi.

Trinnaman kháng cáo, cho rằng công tố viên đã vi phạm "quyền tự do biểu đạt" của mình theo Điều 10 Công ước Nhân quyền. Ba thẩm phán tại Tòa án Phúc thẩm Hình sự London đã bác đơn kháng cáo.

Sau khi chấp hành bản án, Trinnaman ra tù vào năm 2015. Mặc dù ông ta bị áp Lệnh Phòng chống Nguy cơ Tình dục, lệnh này không cấm Trinnaman ra nước ngoài. Các tòa án ở Anh đã ban hành hơn 15.000 Lệnh Phòng chống Nguy cơ Tình dục trong ba năm nhưng chỉ có 27 trường hợp bị hạn chế xuất cảnh.

Sau khi được thông báo về việc Trinnaman đã sang Việt Nam, phát ngôn viên Cảnh sát London cho biết: "Lệnh Phòng chống Nguy cơ Tình dục là lệnh do tòa án đưa ra và các điều kiện áp đặt trong trường hợp này không ngăn cản việc ra nước ngoài. Vì vậy, không có quy định nào bị vi phạm trong trường hợp này".

Người phát ngôn dàn nhạc mà Trinnaman chơi ngày 10/5 xác nhận rằng Trinnaman từng làm việc ở đây. Tuy nhiên, hôm 23/4, Trinnaman đã xin nghỉ việc và hủy hợp đồng lao động vì lý do cá nhân. Dàn nhạc "không biết gì về quá khứ của ông ấy. Mọi thông tin cần thiết ông ấy cung cấp để ký hợp đồng lao động đều hợp pháp", người phát ngôn nói.

Không có thông tin nào cho thấy Trinnaman đã hành động không phù hợp hoặc vi phạm luật pháp khi đến Việt Nam. Tuy nhiên, Katherine Mulhern, lãnh đạo tổ chức từ thiện quyền trẻ em ECPAT UK, cho rằng nên có "nhiều công cụ phòng ngừa hơn" để nhắm mục tiêu vào những người được coi là có nguy cơ thấp nhưng có thể tìm cách ra nước ngoài phạm tội.

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)

Nổi bật