Một binh sĩ Ai Cập đứng canh gác tại hiện trường vụ rơi máy bay Nga trên bán đảo Sinai. Ảnh: Reuters |
Theo Wall Street Journal, chính hành động cứng rắn này đã đưa ông Putin tới chiếc ghế tổng thống, đồng thời trở thành dấu ấn trong phong cách điều hành của ông chủ Điện Kremlin: luôn cương quyết và mạnh tay trước khủng bố.
"Chỉ có thể nói chuyện với các phần tử khủng bố bằng biện pháp mạnh. Chúng không thể hiểu thứ ngôn ngữ nào khác", ông Putin năm 2001 quả quyết, vài tháng trước sự kiện khủng bố 11/9 tại Mỹ.
Điện Kremlin hôm qua bác bỏ nghi ngờ của Anh cho rằng một thiết bị nổ đặt trên khoang khiến chiếc máy bay thuộc hãng hàng không giá rẻKogalymavia (Metrojet), Nga, rơi trên bán đảo Sinai, Ai Cập, hôm 31/10, cướp đi sinh mạng của 224 người. Dù vậy, theo bình luận viên Nathan Hodge và Olga Razumovskaya, với thái độ không thỏa hiệp với khủng bố được duy trì bấy lâu nay của ông Putin, Moscow chắc chắn sẽ có những động thái quân sự cụ thể để đáp trả nếu nguyên nhân thảm kịch được xác định là do Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Moscow hôm 30/9 phát động chiến dịch không kích phiến quân IS ở Syria. Trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc, ông Putin ngầm khẳng định Nga là cường quốc duy nhất trên thế giới đủ khả năng ngăn chặn sự bành trướng của các tay súng cực đoan IS. Ông cũng thể hiện rõ ràng rằng yếu tố bất ngờ là một phần không thể thiếu trong chiến lược chống khủng bố của Nga.
"Đường phố ở Leningrad đã dạy tôi một điều. Nếu không thể tránh khỏi một cuộc chiến thì hãy ra đòn trước", Tổng thống Putin tháng trước nói. "Thà chiến đấu với chúng ở đó còn hơn là chờ chúng kéo đên đây".
Ông Putin nói chiến dịch quân sự của Nga sẽ chỉ dừng lại ở các cuộc không kích, song giới quan sát nhận định Moscow nhiều khả năng sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động ở Syria và nhanh chóng có những bước đi mới để diệt trừ các phần tử cực đoan trong nước, đặc biệt là nếu vụ tai nạn máy bay Nga thực sự do các nhóm khủng bố gây ra.
"Hãy nhìn vào cách Tổng thống Putin đối phó với khủng bố trong quá khứ, ông ấy luôn đáp trả bằng vũ lực với một chiến lược không gì khác ngoài diệt trừ tất cả", Varvara Pakhomenko, nhà phân tích từ nhóm Khủng hoảng Toàn cầu, đánh giá. "Vậy nên việc Nga tăng cường hoạt động quân sự ở Syria là hoàn toàn có thể xảy ra".
Lúc này, người dân Nga sẽ nhận ra tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông không còn là những thứ quá xa xôi chỉ xuất hiện trên bản tin mà thực chất nó đang ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống và tính mạng của chính họ.
Gần hai năm qua, ông Putin đã thu hút được một lượng người ủng hộ khổng lồ, khơi dậy làn sóng yêu nước bằng những động thái cứng rắn ở Ukraine và bây giờ là Syria. Nhưng nếu thảm kịch với máy bay Nga được chứng minh là do khủng bố, đây sẽ là quả bom công phá mạnh mẽ vào ánh hào quang mà Tổng thống Nga đã dày công gây dựng, cây bút RupertCornwell từ Independent, nhận xét.
Việc chi nhánh IS ở Ai Cập tuyên bố bắn hạ chiếc phi cơ càng làm dấy lên những mối ngờ vực trong công chúng rằng hành động can thiệp quân sự ở Syria khiến quân khủng bố chĩa mũi dùi sang Nga.
Vì thế, ông Putin sẽ cảm thấy cần phải gia tăng hơn nữa áp lực lên IS và cả những lực lượng đang lăm le gây nhiễu loạn bên trong nước Nga bằng các chiến dịch quân sự quy mô hơn.
"Dân chúng Nga đòi hỏi Putin phải hành động và tôi dám chắc ông ấy sẽ làm theo", bằng cách đẩy mạnh hoạt động quân sự ở Syria, Michael Pregent, cựu nhân viên tình báo Mỹ, nói.
Pregent so sánh việc IS tuyên bố bắn hạ máy bay Nga với việc nhóm này hồi tháng hai tung ra đoạn video quay cảnh thiêu sống viên phi công Jordan, thôi thúc vua Jordan tăng cường các cuộc không kích chống IS, Pregent cho hay. Động lực đó có thể "còn lớn hơn gấp trăm lần đối với một người như ông Putin".
Bắt tay với Ai Cập chống IS
Một phương án khả thi khác là Nga sẽ bắt tay với Ai Cập cùng chiến đấu chống khủng bố, theo quan sát viên Pamela Engel từ Business Insider.
Các giả thiết về nguyên nhân máy bay Nga rơi ở Ai Cập. Đồ họa: Việt Chung |
Tuy nhiên, Tổng thống Putin có thể né tránh việc quy kết trách nhiệm cho IS bởi điều đó có nguy cơ kéo ông lún sâu hơn vào cuộc chiến. Đến nay, Nga vẫn cho rằng khả năng chiếc phi cơ của nước này bị khủng bố tấn công là không cao. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm qua nhấn mạnh bất cứ thông tin nào xuất phát từ các nguồn không phải cơ quan điều tra thì đều "chưa được xác minh" hoặc "nghi vấn".
"Câu hỏi lớn lúc này là Nga sẽ đổ lỗi cho bên nào", Michael Kofman, chuyên gia nghiên cứu về Nga và chính sách công tại Trung tâm Wilson, nhận xét.
Nhưng nếu IS thực sự là thủ phạm thì Moscow sẽ đẩy mạnh các cuộc công kích nhằm vào IS mà mục tiêu dễ thấy nhất là Raqqa, trung tâm đầu não của quân khủng bố ở Syria. "Nếu Nga tin rằng IS làm việc đó thì họ chắc chắn sẽ đáp trả", ông Kofman nói.
Moscow đã phải đấu tranh với làn sóng Hồi giáo cực đoan ở khu vực Bắc Caucasus trong hơn một thập kỷ qua nhưng các nhà phân tích cho rằng chính sự hiện diện của Nga trên chiến trường Syria đã kéo nước này vào thế đối đầu trực diện với IS. Lực lượng này đã và đang từng bước xâm nhập vào vùng Bắc Caucasus.