Căng thẳng Nga - Mỹ đang lên một cao trào mới: Washington dừng hội đàm về nội chiến Syria ngay sau khi Moscow tuyên bố rút khỏi hiệp ước an ninh hạt nhân song phương đã 16 năm tuổi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AP) |
Hiệp ước kể trên - tiêu hủy plutonium, vật liệu được sử dụng trong một số bom hạt nhân - ra đời như một trong những thỏa thuận khung về giải trừ quân bị của thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Hiệp ước yêu cầu Nga và Mỹ phải tiêu hủy các kho plutonium, một bước lùi xa khỏi "ngày tận thế hạt nhân" và như một chính sách đảm bảo cho vật liệu hạt nhân không rơi vào tay bọn khủng bố trên toàn cầu.
Theo sắc lệnh mà ông Putin vừa ký, Nga sẽ rút khỏi hiệp ước ban đầu và các sửa đổi kéo theo. Điều đó có nghĩa là nước này sẽ không còn chịu sự ràng buộc của hiệp ước phải phá hủy các kho trữ plutonium nữa. Nhưng sắc lệnh vẫn đảm bảo plutonium sẽ không được sử dụng cho các mục đích quân sự.
Căng thẳng Nga và Mỹ leo thang nhanh giữa lúc quân Nga và Syria đang mở lại các cuộc tấn công nhằm vào thành phố Aleppo của Syria. Các quan chức Mỹ thừa nhận chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đang giành được nhiều chiến thắng về lãnh địa nhờ sự giúp đỡ của Moscow, sau sự sụp đổ của thỏa thuận ngừng bắn mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã nhất trí.
"Đây không phải là một quyết định dễ dàng. Thật không may, Nga đã không thực hiện các cam kết của họ, mà còn không muốn hoặc không thể đảm bảo chế độ Syria phải tuân thủ những dàn xếp mà Moscow đã đồng ý", NY Times dẫn lời phát ngôn viên John Kirby của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tại Nhà Trắng, Thư ký báo chí Jon Earnest tuyên bố Tổng thống Barack Obama đã hết kiên nhẫn với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. "Tôi nghĩ sự kiên nhẫn của mọi người với Nga đã hết. Không còn gì nữa để Mỹ và Nga bàn bạc về việc cố gắng đạt được một thỏa thuận mà có thể giảm bớt bạo lực bên trong Syria. Và điều đó thật bi thảm", ông bình luận.
Trong một động thái gây quan ngại, Fox News đưa tin tối 3/10 rằng, Nga lần đầu tiên đã triển khai một hệ thống bắn tên lửa ở Syria, có thể như một biện pháp để chính phủ Assad chặn các cuộc tấn công tên lửa hành trình của Mỹ và liên quân.
Fox News dẫn lời hai quan chức Mỹ nói rằng, các thành phần của hệ thống phòng không và chống tên lửa SA-23 Gladiator - có tầm bắn khoảng 250km - đã xuất hiện vào cuối tuần qua "trên các bến tàu" của một căn cứ hải quân Nga dọc thành phố Tartus của Syria bên bờ Địa Trung Hải.
Theo Thanh Hảo (VietNamnet)