Putin đã làm gì sau cuộc không kích của Mỹ vào Syria?

16/04/2018 13:35:37

Putin gọi cuộc không kích của liên quân Mỹ vào Syria là "hành động gây hấn" nhưng giới quan sát nhận xét Moskva sẽ "không ăn miếng trả miếng".

Putin đã làm gì sau cuộc không kích của Mỹ vào Syria?
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: CNN.

Là một chính trị gia thận trọng, Tổng thống Nga Vladimir Putin thường đợi vài ngày trước khi đưa ra bình luận chính thức về một vấn đề xung đột quốc tế. Nhưng chỉ vài tiếng sau cuộc không kích với 105 tên lửa của liên quân Mỹ, Anh và Pháp vào lãnh thổ Syria rạng sáng ngày 14/4, Điện Kremlin đã ra thông báo chính thức, gọi đây là "tình huống nghiêm trọng", theo New York Times.

"Bằng ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể, Nga lên án cuộc tấn công Syria, nơi quân nhân Nga đang đang giúp đỡ chính phủ hợp pháp (của Syria) trong nỗ lực chống lại khủng bố", ông Putin nói trong tuyên bố chính thức đăng trên website của Điện Kremlin. "Bằng hành động quân sự, Mỹ khiến tình trạng nhân đạo Syria vốn đã ở mức thảm họa càng trở nên tồi tệ hơn và đẩy dân thường vào tình cảnh khốn khổ". Ông Putin cảnh báo việc các cường quốc phương Tây tiến hành tấn công Syria sẽ gây ra một làn sóng người tị nạn mới từ Syria và các quốc gia khác trong khu vực Trung Đông.

"Hành động tấn công của Mỹ và đồng minh vào các cơ sở quân sự và dân sự ở Syria là vi phạm hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế", Tổng thống Vladimir Putin gọi đòn không kích vào Syria là "hành động gây hấn" chống lại một đất nước có chủ quyền và cho biết Nga sẽ giúp đỡ chính phủ hợp pháp của Syria.

Lãnh đạo Nga chỉ trích các nước phương Tây tấn công quân sự trước khi có kết quả của cuộc điều tra do Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) về cáo buộc chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad thực hiện cuộc tấn công hóa học hôm 7/4, cướp đi sinh mạng của khoảng 70 người ở thành phố Douma, Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus.

Tổng thống Putin nói Washington và đồng minh đã dùng lại chiến thuật dựa vào các báo cáo chưa được xác thực và tấn công quân sự Syria như đã từng làm với Nam Tư (cũ), Iraq và Libya.

"Nga kêu gọi một cuộc họp khẩn tại Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc nhằm bàn về hành động gây gấn của Mỹ và đồng minh", Tổng thống Nga kết thúc tuyên bố. Vài giờ sau tuyên bố chính thức của ông Putin, Liên Hợp Quốc thông báo nhóm họp theo đề nghị của Nga. Tuy nhiên chỉ với ba phiếu thuận, Nga đã không thể thuyết phục Hội đồng Bảo an thông qua dự thảo nghị quyết lên án cuộc tấn công của liên quân Mỹ nhằm vào Syria.

Ngay sau vụ không kích, Putin đã điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, một đồng minh của Nga, cảnh báo nếu phương Tây tiếp tục tấn công Syria, tình hình thế giới sẽ trở nên hỗn loạn. Đồng thời hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng hành động tấn công Syria của liên quân Mỹ đã phá vỡ cơ hội đạt được một giải pháp chính trị cho xung đột kéo dài 7 năm ở Syria. 

Tổng thống Nga cũng điện đàm với Tổngthống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người mà Putin mới gặp trong cuộc công du Ankara hồi đầu tháng. Hai lãnh đạo đồng ý phối hợp chặt chẽ nhằm "duy trì sự kiên quyết giảm căng thẳng tại điểm nóng Syria và tiếp tục các nỗ lực để tìm ra giải pháp chính trị" cho tình hình ở đây.

"Tình hình đang diễn biến leo thang tại Syria và ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ quốc tế", ông Putin nhấn mạnh trong tuyên bố chính thức từ Điện Kremlin. Nga bắt đầu tham chiến ở Syria vào năm 2015 và hậu thuẫn cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

'Không ăn miếng trả miếng'

Putin đã làm gì sau cuộc không kích của Mỹ vào Syria? - 1
Một binh sĩ Syria quay lại cảnh đổ nát ở trung tâm nghiên cứu khoa học gần thủ đô Damascus sau vụ không kích của liên quân Mỹ, Anh và Pháp sáng ngày 14/4. Ảnh: AP.

Trong một tín hiệu cảnh báo rõ ràng đến Mỹ và liên quân, Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga Sergei Rudskoi đe dọa rằng "Moskva có thể cân nhắc việc triển khai thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa đến Syria và các quốc gia khác". Hồi năm 2013, chính phủ Syria từng đặt mua 6 tổ hợp phòng không tầm xa S-300 từ Nga. Tuy nhiên, hợp đồng này bị hủy sau đó, lý do không được các bên công bố.

"Cách đây vài năm, sau khi xem xét đề xuất từ một số đối tác phương Tây, chúng tôi đã từ bỏ việc cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Syria. Tuy nhiên, những diễn biến mới khiến Nga xem xét bàn thảo lại vấn đề này, không chỉ với Syria mà còn các quốc gia khác", TASS dẫn lời Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga Sergei Rudskoi tuyên bố sau cuộc không kích của liên quân Mỹ.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định Điện Kremlin sẽ không áp dụng chiến thuật "ăn miếng trả miếng" do nhận định cuộc không kích rạng sáng 14/4 chỉ diễn ra một lần nhằm phát đi thông điệp chính trị và sẽ không có tác động thay đổi cục diện cuộc chiến ở Syria, theo Guardian. Moskva cũng đã không có hành động đáp trả khiến căng thẳng leo thang khi Mỹ phóng một loạt tên lửa hành trình Tomahawk tấn công căn cứ không quân Shayrat vào tháng 4 năm ngoái sau khi chính quyền Assad bị cáo buộc sử dụng khí sarin nhắm vào thường dân.

Dù nhiều khả năng không chọn phương án đáp trả liên quân Mỹ bằng hỏa lực, Moskva vẫn có những cách khác để gây tổn hại chính sách đối ngoại của Washington và đồng minh, theo các nhà phân tích. Moskva có nhiều lựa chọn như cung cấp trang thiết bị và vũ khí tốn tân hơn cho chính quyền Syria; giúp Triều Tiên lách lệnh trừng phạt; có hành động khiến tình hình ở Ukraine "nóng" trở lại; phát động cuộc chiến trên mạng hoặc hậu thuẫn những chính trị gia cánh tả theo chủ nghĩa ly khai ở châu Âu. Bênh cạnh đó, Moskva đang cân nhắc đến các biện pháp kinh tế đáp trả.

Trong cuộc không kích cuối tuần, ba địa điểm trên lãnh thổ Syria đã bị Mỹ, Anh và Pháp tấn công, gồm một trung tâm nghiên cứu khoa học ở gần Damascus và một kho chứa vũ khí hóa học tại Homs. Mục tiêu thứ ba là nơi đặt căn cứ chỉ huy quan trọng và nhiều trang thiết bị trong chương trình vũ khí hóa học của Syria tại Homs.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford nói liên quân đã lựa chọn các mục tiêu nhằm "giảm thiểu nguy cơ liên quan cho các lực lượng Nga". Giới phân tích nhận xét sau vụ không kích, tất cả cá bên đều tuyên bố chiến thắng và liên quân Mỹ đã "rằn mặt" chế độ Assad nhưng vẫn tránh châm ngòi cho một cuộc chiến với Nga. Hiểu điều đó, Moskva sẽ khó có khả năng "vượt qua ranh giới đỏ". Mọi hành động đáp trả bằng quân sự sẽ khiến binh sĩ Nga ở Syria chịu thiệt hại. 

Một chuyên gia Moskva nhận xét có thể Nga sẽ cử máy bay chiến đấu "vo ve phía bên trên tàu chiến" của Mỹ nhưng "tôi không nghĩ chúng ta sẽ đánh chìm tàu khu trục USS Cook".

Theo An Hồng (VnExpress.net)

Nổi bật