Video: Những sự cố "muối mặt" của Nga khi phóng tên lửa
Xin giới thiệu nguyên văn bài viết với tiêu đề và phụ đề trên của chuyên gia quân sự Nga Vladimir Tuchkov về một loại vũ khí mới của Nga.
Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa.ru” ngày 15/5/2018.
Vũ khí kiềm chế hạt nhân Nga mới về nguyên tắc sẽ được đưa vào trang bị cho Hải quân Nga trước năm 2027. Thông tin trên từ một nguồn thạo tin trong Tổ hợp công nghiệp quốc phòng (Nga) mới tiết lộ với Hãng thông tấn TASS.
Đây là thiết bị ngầm không người láí “Poseidon” có những tính năng giữ bí mật độc nhất vô nhị và mang đầu đạn hạt nhân cực mạnh.
Phương tiện mang “Poseidon” có thể là một trong hai tàu ngầm hạt nhân đang được đóng tại nhà máy đóng tàu “Sevmash”. Hiện mới chỉ biết tương đối chắc chắn là tàu ngầm “Haski” thế hệ mới- thế hệ năm, sẽ không là phương tiện mang “Poseidon”.
Vấn đề về phương tiện mang cho “Poseidon” (trước đây còn có tên là “Status-6”) , đã được tìm hiểu từ rất lâu rồi.
Thêm nữa, các “nhà điều tra” từ giữa thập kỷ này đã tiến hành các hoạt động khai thác thông tin kiểu như các sỹ quan tình báo vẫn làm, tức chỉ sử dụng các dữ liệu (số liệu) gián tiếp có trên các phương tiện thông tin công khai.
Cụ thể như: các thỏa thuận giữa các xí nghiệp về việc thiết kế các chi tiết hoặc bộ phận nào đấy, các báo cáo tài chính của “Sevmash” và các nhà thầu phụ của nó, việc có hay không có sự hiện diện của một quan chức rất quan trọng nào đấy từ Bộ quốc phòng (Nga) trong lễ khởi công đóng tàu ngầm, những phát biểu hớ hênh nào đó của thị trưởng thành phố Sarov (thành phố hạt nhân của Nga-ND).
Hoặc nhận dạng trên các bức ảnh sự xuất hiện của thiết bị phóng lôi cỡ 1.000 mm trong thân của tàu ngầm đang được đóng, nội dung luận án của một trong các công trình sư Trung tâm tên lửa quốc gia mang tên Makeev, việc công nhận xưởng số 50 của “Sevmash” là xưởng có quy chế đặc biệt v.v và v.v.
Nhìn chung, “các nghiên cứu” kiểu như vậy rất mạo hiểm, và có thể trở thành đối tượng các cuộc điều tra của những cơ quan có liên quan. Tuy nhiên, rất có vẻ như tất cả những thông tin úp mở từ các “cuộc điều tra” nói trên được “ai đó” khuyến khích và tiếp tay để chuyển một thông điệp nhất định tới “các đối tác” của chúng ta.
Và một trong những tín hiệu mạnh nhất trong số đó đã được truyền đi theo kênh của Đài truyền hình quốc gia trung ương Nga: khi đưa tin về cuộc họp của V. Putin về vấn đề thực hiện các đơn đặt hàng (quốc phòng) quốc gia, các phóng viên đã “tình cờ” chớp được trên khung hình một slide tuyệt mật.
Trên slide đó có ghi rõ các tính năng của của thiết bị ngầm không người lái “Status-6” mang đầu tác chiến hạt nhân công suất 100Mt và có cự ly hoạt động 10.000 km.
Và thế là rõ. Các tàu ngầm mà “Sevmash” đang đóng chính là tàu ngầm để làm phương tiện mang “Status-6”.
Sau đó không lâu, nhiều thông tin tương đối chính thống cho biết là phương tiện mang “Status-6” có thể là một trong hai tàu ngầm hạt nhân đang được đóng- “Belgorod” hoặc “Khabarovsk”.
Tuần vừa rồi (từ 7-13/5), nguồn tin của TASS trong Tổ hợp công nghiệp quốc phòng đã xác định rõ chức năng của mỗi tàu này như sau:
“Belgorrod” sẽ là phương tiện mang các thiết bị nghiên cứu ở độ sâu lớn có người điều khiển hoặc tự động, còn “Khabarovsk” được khởi công đóng năm 2014 theo dự án 09851, sẽ được trang bị “Poseidon” do TSKBMT “Rubin” (Phòng thiết kế các phương tiện kỹ thuật biển trung ương “Rubin”) thiết kế.
Không có số liệu chính xác về số lượng các thiết bị này (“Poseidon”) có thể bố trí trên (một) tàu ngầm. Có nguồn tin am hiểu cho rằng, sẽ không ít hơn 6 thiết bị (Poseidon).
Nhưng thậm chí chỉ một “Poseidon” cũng đã là một mối đe dọa khủng khiếp gây những tổn thất cực lớn cho lục địa Bắc Mỹ trong trường hợp nước này (Mỹ) tiến hành đòn tấn công hạt nhân chống Nga
Trên slide (vừa nói tới ở trên-ND) được trình chiếu trên vô tuyến truyền hình trung ương, chức năng của thiết bị không người lái này được xác định như sau: “phá hủy các mục tiêu kinh tế quan trọng của đối phương trong khu vực ven bờ biển và đảm bảo chắc chắn gây ra những tổn thất không chịu đựng nổi cho lãnh thổ (đối phương) bằng cách tạo ra những khu vực nhiễm xạ rộng lớn - tại những khu vực này (đối phương) không thể tiến hành các hoạt động quân sự, kinh tế và các hoạt động khác trong một khoảng thời gian rất dài”.
Để một khu vực bị nhiễm xạ trong một khoảng thời gian dài, đầu tác chiến 100 Mt có khoang chứa coban.
Các chuyên gia tính toán rằng, với tốc độ gió 26km/h, đám mây phóng xạ sẽ lan ra một khu vực lãnh thổ có diện tích 1700×300 km. Nếu như tất cả 6 “Poseidon” cùng “làm việc”, thì diện tích lãnh thổ nơi con người không thể sinh sống trong vài thập kỷ sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Như thực tiễn đã cho thấy, lúc đó mọi nỗ lực tẩy xạ đều trở nên vô nghĩa. Năm 1946, Hải quân Mỹ đã thực hiện một vụ nổ hạt nhân ngầm duới nước công suất 23 Kt.
Kết quả là Hải quân Mỹ đã mất một tàu sân bay mới tinh “Independence” mới hạ thủy năm 1942. Sau 4 năm nỗ lực tẩy xạ bất thành, tàu sân bay “Independence” nói trên đã bị đánh chìm xuống biển.
Ngoài chuyện đó ra (nhiễm xạ), còn tồn tại một nhân tố phá hủy khác- sóng xung kích có thể gây ra siêu sóng thần.
Trên vùng lãnh thổ đồng bằng thì sóng (xung kích) được tạo bởi vụ nổ đầu tác chiến công suất 100 Mt có khả năng tàn phá mọi thứ trên đường đi của nó với chiều sâu tác động đến 500 km tính từ bờ biển.
Không có các tham số chính xác về các tinh năng của “Poseidon”. Tuy nhiên, có các đánh giá của các chuyên gia căn cứ vào trên cái “slide” cực mật kia, dựa trên những công nghệ hiện đại có thể đang tồn tại và căn cứ vào cả các định luật vật lý cơ bản.
Thêm nữa, có các tài liệu theo dõi của Cơ quan tình báo Mỹ về các vụ thử nghiệm thiết bị không người lái trên các phương tiện mang là tàu ngầm điện- diesel chuyên dụng “Sarov” (của Nga).
Động cơ của “Poseidon” là thiết bị phản ứng hạt nhân công suất 8Mw- nó đảm bảo cự ly hoạt động hầu như không giới hạn và giảm rất đáng kể tiếng ồn.Thiết bị phản ứng sử dụng chất làm mát kim loại lỏng làm tăng đáng kể hiệu suất động cơ.
Việc sử dụng động cơ đẩy phản lực nước cũng giảm thêm đáng kể độ ồn của “Poseidon”. Người ta tính toản rằng, những sonar nhạy nhất cũng không thể phát hiện được “Poseidon” ở cụ ly 2-3 km.
Nếu như đối phương sử dụng thiết bị định vị radar thủy âm để sục sạo tìm kiếm mối đe dọa, thì “Poseidon”, do có trí tuệ nhân tạo, có khả năng đi vòng qua khu vực nguy hiểm.
Tùy thuộc vào tình huống thực tế và trong các bối cảnh cụ thể, thiết bị này có thể tự mình ra các quyết định liên quan đến những hành động đảm bảo cho việc thực hiện nhiệm vụ tác chiến của mình.
Động cơ phản lực nước cho phép “Poseidon” tăng tốc lên khoảng từ 100 km/h đến 185 km/h.
Có cả chế độ “đi lén” ở tốc độ 50 km/h, khi đó thì nếu tính từ góc độ thủy âm học, nó (“Poseidon”) đã biến thành một “hố đen”.
Độ sâu hoạt động của “Poseidon”- 1.000 m. Có nhiều chuyên gia cho rằng, khi chuyển động, nó bám theo bề mặt địa hình đáy biển, so sánh với bản đồ đã được cài vào bộ nhớ.
Nhưng ngay cả trong trường hợp các lực lượng chống ngầm của đối phương đã phát hiện được “Poseidon”, cũng rất khó đánh chặn được nó. Kể cả Hải quân Mỹ, kể cả hải quân các thành viên khác của NATO hiện chưa có các loại vũ khí ngư lôi cần thiết để làm việc đó.
Kiểu ngư lôi Mỹ có tốc độ nhanh nhất là Mark 54 có tốc độ 74 km/h, có nghĩa là tốc độ kém hơn “Poseidon” đến 26 km/h.
Ngư lôi Châu Âu có độ sâu hoạt động lớn nhất là MU90 Hard Kill nếu phóng đuổi theo với tốc độ tối đa 90 km/h cũng chỉ đi được quãng đường <10 km.
“Poseidon” được xếp vào loại vũ khí kiềm chế kiểu mới không phải vì công suất 100 Mt của mình. Các thử nghiệm cho nổ “Bom vua” (Liên Xô-ND) công suất tới 60Mt đã được tiến hành trên Đất Mới (Quân đảo Bắc Nga – ND) từ thời Khrushev. “Poseidon”- đấy là loại vũ khí hoạt động tức thời.
Khi đến được “địa điểm đóng quân”, “Poseidon” có thể nằm phục trong khoảng thời gian dài bất kỳ để chờ tín hiệu cho phát nổ.
Có nghĩa là không cần thời gian để tiếp cận mục tiêu sau khi có lệnh tấn công, cũng không cần phải chọc thủng hệ thống phòng thủ (chống tên lửa) của đối phương như trong trường hợp tấn công bằng tên lửa đạn đạo. Tất cả xảy ra ngay lập tức và cực kỳ chắc chắn.
Còn về vấn đề truyền lệnh tới “Poseidon” để kích nổ, có thể sử dụng liên lạc vô tuyến sóng siêu dài thường được sử dụng trong liên lạc với tàu ngầm.
Cũng có một phương án khác có thể được sử dụng cho mục đích này- đó là các tàu chuyên dụng của Hải quân, và những tàu này- về mặt nguyên tắc, có thể ngụy trang thành các tàu vận tải hàng hóa dân dụng.
Bên cạnh đó, cũng phải nói thêm rằng “Poseidon” có thể giải quyết nhiều nhiệm vụ khác nữa. Ví dụ, hủy diệt căn cứ hải quân, các cụm quân không quân tấn công, các căn cứ không quân ven bờ hoặc trên các đảo, - và để thực hiện các nhiệm vụ đó, công suất đầu tác chiến có thể thay đổi.
“Poseidon” cũng có thể thu thập các thông tin tình báo, nhưng trong trường hợp này, nó cần phải quay trở lại tàu mẹ (phương tiện mang-ND).
Theo Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (Đất Việt)