Tối 17/5, sự việc đau lòng xảy ra ở phường Bình Thắng, tỉnh Bình Dương khi một con chó Pitbull bất ngờ lao từ ngoài sân vào trong nhà cắn xé cụ Đ.T.V. (82 tuổi). Do nạn nhân lớn tuổi không thể bỏ chạy và chống cự, nên đã tử vong sau ít phút.
Một chi tiết đáng chú ý trong sự việc, cụ Đ.T.V. mặc dù là chủ nhân, người trong gia đình, nhưng vẫn bị con chó tấn công không thương tiếc. Con gái của nạn nhân có mặt tại hiện trường cũng can ngăn kéo chó đi nhưng không thể ngăn được việc chó Pitbull cắn chết người.
Đáng nói, không phải sự việc đau lòng đầu tiên xảy ra ở Việt Nam với hung thủ là chó Pitbull, và nạn nhân là những người xung quanh.
Chó Pitbull đáng sợ như thế nào?
Với lực cắn cơ hàm rơi vào khoảng 235 psi (1 psi tương đương 6.895 N/m2), chó Pitbull có thể cắn gãy xương đùi của bò chỉ bằng một nhát cắn. Loài này có xu hướng tấn công vào các cơ nằm sâu trong cơ thể, cắn chặt và lắc qua lắc lại để làm rách các mô.
Một lý do nữa khiến Pitbull trở thành loài đáng sợ đó là chúng không nhả ra sau khi cắn. Cơ hàm cực khỏe giúp Pitbull cắn và giữ chặt không cho đối phương thoát ra.
Một ví dụ về sự "lì lợm" của Pitbull đó là trường hợp xảy ra ở thành phố Alton, bang Illinois, Mỹ năm 2018. Lúc bấy giờ, một viên cảnh sát bị chó Pitbull tấn công khi tới hiện trường.
Để giải nguy cho cảnh sát này, các đồng đội buộc phải bắn chết con chó Pitbull bằng súng lục. Nhưng ngay cả khi đã chết, con chó Pitbull vẫn ngoạm chặt tay của viên cảnh sát. Điều này chưa từng xảy ra trong các vụ tấn công của những loài chó khác.
Theo Insidedogsworld, trong danh sách 10 giống chó nguy hiểm nhất đối với con người thì Pitbull xếp vị trí đầu tiên. Dù chỉ chiếm 6% số lượng chó ở Mỹ nhưng Pitbull liên quan đến 68% vụ tấn công người, 82% số vụ dẫn đến tử vong là do pitbull và một nửa nạn nhân là trẻ em.
Do đó, không lạ gì khi nhiều nước trên thế giới cấm nuôi giống chó này. Theo trang banpitbulls.org, có khoảng 39 quốc gia hoặc một số tỉnh/bang của quốc gia cấm nuôi chó Pitbull.
Trong số này có Pháp, Ba Lan, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Romania, Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha, Malta, Anh, Ireland, Venezuela, Puerto Rico, Ecuador, New Zealand, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Belarus, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Singapore.
Một số khu vực tại các nước Úc, Áo, Bỉ, Brazil, Trung Quốc, Canada, Nhật Bản cũng cấm nuôi giống chó này.
Nguồn gốc "rợn người" về giống chó Pitbull
Vào thế kỷ 18, Pitbull xuất hiện ở các nước Anh, Ireland và Scotland. Cho đến đầu thế kỷ 19, chúng được chính người Anh mang sang Mỹ để dùng cho việc canh gác trang trại, giữ nhà và săn bắt thú rừng.
Người Mỹ nhận thấy rõ tiềm năng của loài chó này nên mau chóng lai tạo chúng với giống chó bản địa và tạo ra loài Pitbull khỏe mạnh và dữ tợn hơn nhiều so với Pitbull của nước Anh.
Ban đầu người ta lai tạo giống chó này chỉ nhằm mục đích tạo ra dòng chó chiến để phục vụ những cuộc chiến đẫm máu.
Họ thường huấn luyện những chú chó Pitbull trong những cuộc chiến do người dân ở đây tổ chức. Trong cuộc chiến này, những chú Pitbull phải chiến đấu với bò tót hoặc gấu lớn. Đây là một trò chơi vô nhân đạo và hết sức tàn bạo, đến năm 1935 nước Mỹ mới hoàn toàn cấm trò chơi này.
Từ những cuộc chiến đó, người ta mới đặt cho chú chó này cái tên Pitbull, Pit mang nghĩa chiến đấu, còn Bull nghĩa là bò tót, cả từ này có nghĩa là "kẻ dám đương đầu với bò tót".
Minh Ngọc (SHTT)