Một ngày sau đám cháy tòa chung cư Ratchathewi khiến ba người chết và hàng chục người bị thương, Tùng, nghiên cứu sinh Việt Nam tại Đại học Chulalongkorn, vẫn còn nguyên sự ám ảnh.
"Giữa lúc đám đông hoảng loạn tìm đường chạy xuống đất, tôi thoáng nghĩ lỡ đâu mình không thoát được và định quay trở lại phòng, nhưng lại tự nhủ phải cố gắng dấn lên", Tùng, 32 tuổi, chia sẻ với PV về thời điểm đám cháy bùng lên ở tòa nhà ở Bangkok. Anh thuê một căn ở tầng ba của chung cư.
Vào khoảng 2h30 sáng ngày 3/4, Tùng lúc đó vừa lên giường đi ngủ thì nghe tiếng người chạy và la lớn, không hiểu mọi người nói gì, anh tưởng có đánh nhau nên không quan tâm. Chừng 5 phút sau, tiếng động ngoài hành lang mỗi lúc một lớn, Tùng ra mở cửa thì khói mù mịt, rất nhiều người đang tìm cách trèo xuống bằng cầu thang bộ bên hông tòa nhà. Vội vơ lấy chiếc điện thoại, anh chạy theo dòng người đang chen chân xuống tầng hai qua cầu thang bộ ở giữa tòa nhà.
Vì hệ thống báo cháy của Ratchathewi không hoạt động, Tùng nghĩ ngay đến vụ cháy chung cư Carina ở TP HCM, Việt Nam đêm 23/3, trong lòng không khỏi lo lắng. Sau một hồi mò mẫm trong bóng tối, anh và những người ở tầng thấp may mắn chạy được xuống tầng trệt.
Trên các tầng cao, khói đen bao trùm khiến nhiều người la hét, tiếng chân chạy rầm rầm. Ngoài các ban công, nhiều người đứng chờ được giải thoát. Phải đến 30 phút sau lực lượng cứu hỏa mới đến hiện trường. Trong khi xe cứu hỏa bơm nước lên dập đám cháy, các nhân viên chạy lên các tầng hướng dẫn mọi người di chuyển đến nơi an toàn và tránh ngạt khói.
Đến khi trời sáng, Tùng mới gọi điện cho bố mẹ ở Việt Nam, báo tin là mình an toàn. Anh không muốn gọi lúc nửa đêm vì sợ gia đình lo lắng.
"Tôi không bao giờ nghĩ là mình lâm vào cảnh bị cháy như thế, dù nghe nhiều về cảnh báo. Sau lần này, tôi thấy mọi người rất cần có bình chữa cháy nhỏ sẵn trong nhà và phải luôn cảnh giác", Tùng nói.
Trong khi nhà chức trách phong tỏa tòa nhà để điều tra nguyên nhân vụ cháy, Tùng chuyển đến Ký túc xá của Trường Chulalongkorn ở tạm. Chính quyền Bangkok cũng hỗ trợ đồ ăn và các vật dụng cần thiết cho những người bị ảnh hưởng sau vụ cháy. Những người sống trong tòa chung cư được phép lấy một số đồ dùng thiết yếu và được phát tờ khai về những thiệt hại, chờ gặp chủ nhà để giải quyết. Tùng cho biết hiện chưa rõ việc kiểm tra tòa nhà kéo dài bao lâu, cư dân ở chung cư này dự kiến có cuộc gặp với chủ quản vào 7/4.
Thoát chết trong gang tấc
Vụ cháy tòa nhà Ratchathewi khiến ba người thiệt mạng, trong đó có hai người Thái Lan, một người chưa rõ quốc tịch. Có 13 người Việt Nam bị thương. Họ được theo dõi tại 4 bệnh viện ở Bangkok, một số người đã xuất viện.
Nguyễn Hiền, 24 tuổi, du học sinh đại học Chulalongkorn, là một trong những người bị thương đã bình phục. Cô kể mình sống ở tầng 8, vừa mở cửa ra là khói đã tràn vào phòng. Cô và hai bạn cùng nhà ngay lập tức lấy khăn thấm nước, bịt mũi chạy ra cửa thoát hiểm.
Tuy nhiên, xuống đến tầng 6, 7 thì khói rất dày đặc và rất khó thở. "Lúc này, tôi đuối sức rồi nhưng bạn tôi bảo phải cố gắng xuống đất nhanh hơn nữa mới thoát thân được nên tôi tiếp tục chạy xuống. May mắn tầng 5 ít khói hơn", Hiền kể.
Sau khi xuống đến mặt đất, Hiền bị ngạt khói và được chuyển bệnh viện kiểm tra. Cô cảm thấy may mắn bởi cửa thoát hiểm ở tầng mình vẫn mở được. Nhiều người ở tầng 7, nơi đám cháy bùng lên, không thể thoát thân vì cửa thoát hiểm bị khóa.
Những người ở trên các tầng cao không còn cách nào khác đành chọn phương án cố thủ trong phòng, dùng khăn và nước dội lên người để cầm cự. Các sinh viên đều được học kỹ năng ứng phó khi xảy ra hỏa hoạn nên đã vượt qua được.
"Do hành lang tràn ngập khói và điện đã tắt, không thể cố thủ trong phòng nên tôi rất hoang mang. Nếu không kịp chạy ra cửa thoát hiểm thì có lẽ chúng tôi đã bỏ mạng. Ranh giới giữa sự sống và cái chết lúc đó thật mong manh", nữ sinh người Việt bàng hoàng nhớ lại.
Cố thủ chờ cứu hộ
Anh Phạm Nguyễn Ngọc Đức, 30 tuổi, cũng may mắn thoát chết trong vụ cháy chung cư Ratchathewi. Anh cho hay đây là chung cư đã gắn bó với bao thế hệ du học sinh Việt Nam tại Thái Lan.
Tòa nhà được xây từ năm 1987, đã trải qua vài lần tu sửa nhưng hệ thống chữa cháy vẫn còn rất sơ sài. Các thiết bị cơ bản như chuông báo cháy cũng như đèn thoát hiểm không có. Đèn khẩn cấp thì được bố trí thưa, một số cái không hoạt động.
"2h sáng, phòng tủ điện tầng kỹ thuật tầng 7 nơi tôi đang ở chập điện và phát hỏa. Chỉ trong vòng 10 phút, khói đã lan ra khắp tầng, bốc lên tầng 8 và ảnh hưởng đến tầng 6", anh Đức kể. "Lửa tiếp tục cháy lan xuống các phòng tủ điện kỹ thuật bên dưới và nhanh chóng tỏa khói khắp tòa nhà, thông qua các hành lang bay và phủ kín tòa nhà chung cư kế bên".
Hầu hết các sinh viên người Việt đều bị động vì không hiểu tiếng Thái nên chỉ nghĩ là hàng xóm cãi vã. Do tòa nhà nằm sâu trong đường với chiều ngang hẹp nên xe chữa cháy và xe cứu hỏa rất khó tiếp cận hiện trường. Nhiều xe bơm loại nhỏ của lực lượng PCCC được đưa đến để bơm nước từ các trụ cứu hỏa và thậm chí là nước cống để hỗ trợ dập lửa.
"Tôi quyết định không hòa vào dòng người đang la hét hoặc chạy ra hành lang đầy khói đen, đặc quánh mùi khét mà quyết định ở lại trong phòng. Tôi thấm ướt đẫm các loại quần áo, vải vóc để quấn vào người và bịt các vị trí có khả năng bị khói lùa vào", anh Đức nhớ lại phút sinh tử. "Tôi quan sát từ phía ban công, lắng nghe âm thanh từ khắp nơi vọng về và luôn giữ trạng thái tinh thần vững vàng với mục tiêu 'còn thở là còn sống' ".
Anh được lính cứu hỏa giải cứu theo đúng quy trình cứu hộ từ dưới lên trên, từng phòng từng tầng một. Đến 7h sáng, đám cháy được khống chế hoàn toàn.
Dù anh Đức và các du học sinh khác vẫn chưa hết bàng hoàng và mệt mỏi, họ rất xúc động trước sự quan tâm của người dân nơi đây. Một số quán ăn ngay dưới chung cư đã nấu cháo, mua sữa, nước và mang cơm giúp họ lấy lại sức. Một số người còn được dân cho giày dép và quần áo vì vội thoát thân mà không kịp mang theo.
Chỉ khoảng 10 tiếng sau vụ cháy, các nạn nhân như anh Đức được thông báo ngày gặp mặt các bên liên quan để bàn về phương án đền bù và hướng hỗ trợ những người bị thiệt hại. Theo anh, dù Ratchathewi là một chung cư cũ, người dân ở đây vẫn mua bảo hiểm tài sản. Do vậy, họ rất nhanh chóng được hẹn lịch nhận tiền bồi thường qua ngân hàng.
Theo Khánh Lynh - Anh Ngọc (VnExpress.net)