Trong hồ sơ đề cử, nghị sĩ Na Uy Petter Eide cho rằng phong trào đã khiến các quốc gia bên ngoài nước Mỹ phải đối diện với tình trạng phân biệt chủng tộc trong xã hội của chính họ.
"Tôi thấy một trong những thách thức quan trọng chúng ta đã chứng kiến ở Mỹ, nhưng cũng ở châu Âu, châu Á, là việc ngày càng có nhiều xung đột có nguồn gốc từ bất bình đẳng," Eide nói. "Black Lives Matter đã trở thành một phong trào rất quan trọng trên phạm vi toàn cầu chống bất công sắc tộc".
"Họ đã có những thành tựu to lớn trong việc tăng cường nhận thức toàn cầu về bất công sắc tộc", nghị sĩ Na Uy cho biết thêm.
Eide đánh giá một trong những điều Black Lives Matter gây ấn tượng với ông là việc "họ đã có thể huy động được người dân ở tất cả các nhóm trong xã hội, không chỉ người Mỹ gốc Phi, không chỉ người bị đàn áp, đó là một phong trào sâu rộng, theo một cách nào đó nó khác so với những phong trào trước đây".
Black Lives Matter được thành lập năm 2013 bởi Alicia Garza, Patrisse Cullors và Opal Tometi sau khi đối tượng bắn chết Trayvon Martin, một thanh niên Mỹ gốc Phi 17 tuổi, được tha bổng. Phong trào được chú ý rộng rãi vào năm 2014 sau các cuộc biểu tình phản đối cái chết của Michael Brown và Eric Garner, và vào năm 2020, sau cái chết của George Floyd và Breonna Taylor.
Ủy ban Nobel Hòa Bình chấp nhận đề cử từ bất kỳ chính trị gia nào nắm giữ các chức vụ ở cấp độ quốc gia. Mỗi đề cử chỉ bao gồm 2.000 từ giải thích lý do. Hạn chót tiếp nhận đề cử năm nay là ngày 01/02, và tới cuối tháng 03 ủy ban sẽ chuẩn bị danh sách rút gọn.
Cá nhân hoặc tổ chức thắng giải sẽ được lựa chọn vào tháng 10, và lễ trao giải diễn ra ngày 10/12. Năm ngoái có tổng cộng hơn 300 đề cử cho giải này, và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) giành chiến thắng.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)