Ngày 7/6 mới đây, một phòng gym ở thành phố Seoul, phía Bắc Hàn Quốc đã đăng một tấm biển trước cửa với thông báo "Không cho phép các ajumma" và "Chỉ phụ nữ có học thức, thanh lịch mới được phép vào".
Đáng nói, từ "ajumma" (bà thím) ở Hàn Quốc vốn để chỉ một người phụ nữ đã kết hôn hoặc trung niên luôn gắn liền với những khuôn mẫu tiêu cực nhất định như: ăn bám, ồn ào và không hợp thời trang, theo SCMP. Chính vì có ý nghĩa miệt thị và chỉ trích nên cụm từ này vốn không được người Hàn Quốc khuyến khích sử dụng ở nơi công cộng.
Chia sẻ với một kênh truyền hình Hàn Quốc, chủ phòng tập khẳng định ông đã tạo ra “khu vực cấm ajumma” nhằm nhắc nhở các khách hàng thích lợi dụng hãy kiềm chế bản thân vì ông đã phải chịu thiệt hại lớn do những phụ nữ lớn tuổi như vậy gây ra.
Ông cũng cho biết thêm rằng những người được gọi là "ajumma" này sẽ sử dụng máy giặt trong phòng thay đồ suốt một hai tiếng để giặt đồ, khiến tiền nước của phòng tập tăng gấp đôi. Ngoài ra, họ cũng lấy trộm các vật dụng khác trong phòng tập như khăn tắm và xà phòng.
Thậm chí, nhiều khách hàng nữ trẻ đã bị những người này quấy rối bằng lời nói, không ít những cô gái đã bỏ phòng tập vì những lời chế nhạo bằng những câu như: “Tốt hơn là mày nên đẻ một đứa con đi”.
“Những "bà thím" này bước vào và biến phòng tập thành thế giới riêng của họ, khiến những người trẻ ở độ tuổi 20, 30 phải rời đi”, chủ quán cho biết.
Để tránh việc mất thêm khách và tăng chi phí, chủ phòng gym không còn cách nào khác là biến phòng tập của mình thành “khu vực cấm các bà thím”.
Người chủ liệt kê 8 tiêu chí để phân biệt cái gọi là các ajumma và “quý cô”. Theo đó, ajumma bao gồm những người thích lợi dụng người khác, ngồi ghế dành riêng cho phụ nữ mang thai trên các phương tiện giao thông công cộng.
Các tiêu chí bao gồm những người không muốn tiêu tiền của mình, có trí nhớ và khả năng phán đoán kém và có xu hướng hay nói nhiều và nói lặp lại...
Theo SCMP, tại Trung Quốc, những "ajumma" này được gọi là "da ma", là những người thích chụp ảnh với những chiếc khăn lụa sặc sỡ tại các điểm du lịch. Họ cũng thường xuyên phải đối mặt với sự chế giễu của cư dân mạng khi dành nhiều thời gian để chụp ảnh selfie vốn bị coi là một sở thích lỗi thời.
"Da ma" chủ yếu bao gồm những phụ nữ trung niên và lớn tuổi, nổi tiếng với việc chiếm giữ không gian công cộng, biến chúng thành địa điểm thể dục cá nhân và luôn gây náo động tại những nơi như vậy.
Theo bà Phan Lam (Pan Lan), chủ tịch Trung tâm Dịch vụ Công tác Xã hội Phụ nữ và Trẻ em Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc cho biết, việc gán biệt dinh “bà thím” và cấm những phụ nữ trung niên này đến phòng tập thể dục là không công bằng và phân biệt đối xử.
“Nếu phòng tập thể dục nhằm mục đích duy trì nhóm khách hàng trẻ tuổi và giảm chi phí thì không nên loại trừ hoàn toàn một nhóm khách hàng cụ thể. Thay vào đó, việc thực hiện các biện pháp công bằng và hiệu quả như đặt ra hạn mức sử dụng xác định cho từng khách hàng đối với các cơ sở vật chất, cùng với các khoản phí bổ sung nếu vượt quá thời gian quy định sẽ phù hợp hơn,” bà nói.
Câu chuyện sau khi được truyền thông đăng tải đã thu hút các ý kiến của cư dân mạng xã hội.
Một người ủng hộ trên YouTube cho biết: “Phải phục vụ những "bà thím" thô lỗ thực sự rất mệt mỏi”.
Một người khác có quan điểm khác cho rằng: “Dùng từ ‘bà thím’ ở đây là sai. Hành vi không phù hợp như vậy không nên sử dụng với bất kỳ người nào dù ở độ tuổi hay giới tính khác nhau.”
"Điều này thật điên rồ ! Người mẹ của ông chủ đó cũng là "bà thím" có phải không? Hãy đóng cửa phòng tập thể dục thôi”, một người bình luận thứ ba nói.
Trong khi một người khác đề xuất: “Hãy áp dụng hệ thống thành viên để phân cấp các thành viên phòng tập thể dục.”
QT (SHTT)