Quan điểm chính trị và chính sách tranh cử đối lập của hai ứng viên tổng thống Pháp hứa hẹn đưa nước này phát triển theo hai con đường hoàn toàn khác biệt.
Vòng một cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017 đã khép lại với chiến thắng của lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen và ứng viên theo trường phái ôn hòa Emmanuel Macron. Với cách biệt về tỷ lệ ủng hộ tương đối thấp (lần lượt là 21,4 % và 23,9 %), hai ứng viên có quan điểm và cương lĩnh tranh cử hoàn toàn đối lập, hứa hẹn đặt cử tri Pháp trước sự lựa chọn khó khăn về tương lai chính trị cũng như kinh tế của đất nước, theo Le Monde.
Sự phát triển của chủ nghĩa dân túy và bảo hộ
Bà Le Pen phát biểu trước người ủng hộ sau chiến thắng |
Marine Le Pen là con gái của Jean Mari Le Pen, người sáng lập đảng Mặt Trận Quốc Gia (FN) Pháp. Năm 1993, bà bắt đầu bước vào con đường chính trị với việc ứng cử quốc hội trên tư cách thành viên của FN nhưng không thành công.
Năm 2012, Le Pen ra ứng cử tổng thống lần đầu và về thứ ba tại vòng một với tỷ lệ tương đối thấp 17,9% . Tuy nhiên, với thực tế là chủ nghĩa dân túy bà bảo hộ đang phát triển mạnh ở châu Âu, lãnh đạo cực hữu Pháp ngày càng nhận được sự ủng hộ và tín nhiệm của cử tri.
Theo các nhà phân tích của nhật báo Direct Matin, khoảng hơn hai háng trước khi diễn ra cuộc bầu cử, lãnh đạo đảng FN đã được đánh giá sẽ lọt vào vòng hai nhờ quan điểm chống nhập cư mạnh mẽ, trong bối cảnh nước Pháp gần đây liên tục phải hứng chịu những vụ tấn công khủng bố.
Trong trường hợp lên nắm quyền, bà Marine Le Pen sẽ hạn chế lượng nhập cảnh hợp pháp vào lãnh thổ Pháp ở mức 10.000 người mỗi năm, so với khoảng 200.000 người từ hơn 10 năm qua. Tương tự với quyền tị nạn, Le Pen mong muốn chỉ cấp phép tị nạn cho "những trường hợp có lý do chính đáng".
Được mệnh danh là Donald Trump của nước Pháp, cương lĩnh tranh cử của bà Le Pen luôn coi quyền lợi của người Pháp là trên hết. Ứng viên cực hữu Pháp luôn bày tỏ quan điểm phản đối sự thống nhất của EU và chủ trương đưa nước Pháp tiếp bước Anh rời khỏi khối này nếu đắc cử.
Trên quan điểm của bà, sự thống nhất của EU cũng như quá trình toàn cầu hóa không khác gì "chế độ nô lệ", chậm chạp và trì trệ.
Về kinh tế, bà Le Pen nhiều khả năng sẽ thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn mang tính bảo hộ bao gồm việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh châu Âu nhằm đàm phán lại các hiệp ước chung và tìm kiếm không gian hành động, đặc biệt liên quan tới đồng euro. Lãnh đạo cực hữu Pháp thường xuyên tuyên bố muốn định giá thấp đồng euro để làm hồi sinh ngành công nghiệp Pháp.
"Đồng euro là một trở ngại lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế Pháp", bà Le Pen nhấn mạnh.
Nữ ứng viên tổng thống Pháp cũng mong muốn tập trung vào những chương trình "ưu tiên quốc gia" thông qua các biện pháp như ưu tiên cấp nhà ở xã hội cho người dân Pháp, duy trì mức thuế 3% đánh vào hàng hóa nhập khẩu, và áp dụng việc dán nhãn mới bắt buộc đối với các sản phẩm "sản xuất tại Pháp".
Thay đổi quan trọng cuối cùng trong trường hợp bà Le Pen chiến thắng là việc áp dụng thuế cho tất cả mọi đối tượng. Năm 2016, chỉ 50% người Pháp phải đóng thuế thu nhập với tổng số tiền thuế hàng năm lên tới 72,3 tỷ euro. Cụ thể, bà Le Pen muốn số tiền thuế thu nhập cá nhân này được phân bổ cho 38 triệu người.
Đường lối tự do
Ông Macron phát biểu trước người ủng hộ sau chiến thắng |
Emmanuel Macron, 39 tuổi là ứng viên trẻ nhất tham gia cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống Pháp 2017 và cũng là ứng cử viên duy nhất chưa có kinh nghiệm trong việc chạy đua bầu cử.
Ông Macron từng làm bộ trưởng kinh tế và nhà môi giới đầu tư ngân hàng Rothschild & Cie. Ông rời chính phủ và mới bắt đầu thành lập phong trào "En Marche" (Tiến lên) từ năm 2016.
Trái ngược với bà Le Pen, ông Macron có quan điểm mở cửa với người nhập cư và cam kết giải quyết các yêu cầu xin tị nạn chỉ trong vòng 6 tháng. Ông ca ngợi vai trò của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc khủng hoảng di cư và tin rằng Pháp nên hành động nhiều hơn để giải quyết vấn đề.
Theo Marcon, Pháp phải tiếp tục giữ vai trò trung tâm trong liên minh EU và tăng cường hợp tác với các nước láng giềng và việc gắn kết chặt chẽ hơn nữa của các thành viên eurozone sẽ có lợi cho EU nói chung.
Ngoài ra, cựu bộ trưởng kinh tế Pháp có lập trường ủng hộ hội nhập kinh tế và phản đối mạnh mẽ việc khôi phục các tuyến biên giới giữa các quốc gia châu Âu. Ông cho rằng nền kinh tế Pháp có thể trở nên cạnh tranh hơn nếu quốc gia này đi theo hướng toàn cầu hóa và thương mại tự do.
Về đối nội, lãnh đạo phong trào En Marche cam kết miễn tất cả các loại thuế cho những người có mức lương tối thiểu, loại bỏ phí bảo hiểm bệnh tật và bảo hiểm thất nghiệp do người lao động phải tự chi trả.
Ông Macron xác nhận sẽ ưu tiên vấn đề giáo dục và đặc biệt cho trường tiểu học. Ông muốn các trường được tự chủ hơn và bãi bỏ hệ thống tiểu học duy nhất cho cả nước. Ý tưởng của Marcon là phải giúp đỡ những trường ở khu vực khó khăn có được nhiều giáo viên giỏi, có kinh nghiệm, được tự do về phương pháp sư phạm và được trả lương phù hợp.
Nhờ quan điểm ôn hòa và tự do, cựu bộ trưởng kinh tế Pháp hiện nhận được sự ủng hộ của phần lớn chính trị gia uy tín của cả phe cánh hữu và cánh tả, trong đó có hai ứng cử viên Benoît Hamon và François Fillon, cùng với nhiều lãnh đạo châu Âu.
Theo đánh giá của trang mạng euractiv.fr, tại vòng hai, ông Marcon nhiều khả năng sẽ trở thành ông chủ điện Elysée với 62% số phiếu ủng hộ, điều này đồng nghĩa với việc bà Marine Le Pen chỉ đạt 38% ủng hộ.
"Tuy nhiên có những yếu tố không lường trước được sẽ có tác động đến kết quả cuộc bầu cử vòng hai, đó là tình hình an ninh trong hai tuần tới và chất lượng cuộc tranh luận lần đầu tiên giữa ứng cử viên phe cực hữu với ứng cử viên trung hòa diễn ra vào ngày 3/5 tới", chuyên gia Di Meglio nhận định.
Theo Nguyễn Hoàng (VnExpress.net)