Bà Marichu Mauro bị triệu tập trở lại Manila hồi cuối năm ngoái, sau khi kênh GloboNews của Brazil đăng tải các đoạn video trích xuất từ camera trong vòng tám tháng cho thấy bà liên tục đánh đập một người giúp việc.
"Có những quy định cần phải tuân thủ. Nếu không tuân thủ, các bạn phải chấp nhận rủi ro. Nếu điều gì đó sai trái xảy ra, các bạn sẽ phải gánh chịu rủi ro," ông Duterte nói.
Việc bị đuổi khỏi ngành ngoại giao đồng nghĩa với việc Mauro sẽ không được nhận lương hưu. Bà cũng bị cấm ra tranh cử các chức vụ công.
Video các vụ bạo hành, được ghi hình từ tháng 03 tới tháng 10/2020, được sử dụng làm bằng chứng khiếu nại về Mauro với chính phủ Philippines.
Bà được bổ nhiệm làm việc tại Brazil vào năm 2018, nơi bà giám sát các phái bộ ngoại giao ở Colombia, Guyana, Suriname và Venezuela.
Để tránh tình trạng lương thấp, thất nghiệp và ít có cơ hội tại quê nhà, hàng triệu người Philippines ra nước ngoài làm việc, trong đó có làm giúp việc. Kiều hối họ gửi về được đánh giá rất quan trọng với nền kinh tế địa phương.
Tuy vậy, nhiều lao động Philippines đối mặt với các điều kiện làm việc khó khăn, nguy hiểm. Một số báo cáo bị bạo hành thể xác và tâm thần, dù hầu hết các vụ việc liên quan tới nhà tuyển dụng nước ngoài.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)