Philippines công bố ảnh tàu Trung Quốc vây bãi cạn Scarborough

07/09/2016 13:59:00

Bộ Quốc phòng Philippines ngày 7/9 đã công bố các bức ảnh chụp các tàu Trung Quốc gần bãi cạn tranh chấp Scarborough ở Biển Đông, chỉ ít giờ trước khi các lãnh đạo Đông Nam Á dự kiến gặp Thủ tướng Trung Quốc tại một hội nghị thượng đỉnh ở Lào.

Bộ Quốc phòng Philippines ngày 7/9 đã công bố các bức ảnh chụp các tàu Trung Quốc gần bãi cạn tranh chấp Scarborough ở Biển Đông, chỉ ít giờ trước khi các lãnh đạo Đông Nam Á dự kiến gặp Thủ tướng Trung Quốc tại một hội nghị thượng đỉnh ở Lào.

 Một tàu tuần duyên Philippines nhìn từ tàu Philippines gần bãi cạn Scarborough hồi tháng 6 (Ảnh: NYT)

Philippines không đưa ra giải thích về thời điểm công bố các bức ảnh, nhưng động thái này diễn ra 2 ngày sau khi Philippine bày tỏ “lo ngại nghiêm trọng” về sự hiện diện ngày càng gia tăng của các tàu Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough và yêu cầu lời giải thích từ đại sứ Trung Quốc tại Manila, Reuters ngày 7/9 đưa tin.

Một quan chức Philippines cho biết chính Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, người đang tham dự một hội nghị cấp cao tại Viêng Chăn (Lào), đã chỉ đạo công bố các bức ảnh và một bản đồ.

10 bức ảnh và bản đồ đã được gửi qua email tới các phóng viên, nhiều trong số họ đang có mặt tại Viêng Chăn để đưa tin về thượng đỉnh của ASEAN. Các lãnh đạo ASEAN dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào hôm nay, dù không rõ vấn đề tranh chấp lãnh thổ có được thảo luận cởi mở hay không.

Động thái trên của Philippines diễn ra sau một vụ căng thẳng với Mỹ, đồng minh chính của Manila. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chỉ trích nhà lãnh đạo Mỹ Barack Obama, khiến Washington đột ngột hủy một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Lào.

Trung Quốc nhiều lần cáo buộc Mỹ khuấy động căng thẳng ở Biển Đông, vùng biển chiến lược với lượng hàng hóa giao thương qua lại đạt hơn 5 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ, nhưng đã tiến hành các hoạt động tự do hàng hải áp sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông, khiến Bắc Kinh nổi giận. Trong khi đó, Trung Quốc cũng gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực.

Bãi cạn Scarborough từng nằm dưới quyền kiểm soát của Philippines nhưng bị Trung Quốc chiếm năm 2012 Trung Quốc. Manila nói rằng việc Trung Quốc phong tỏa bãi cạn là vi phạm luật pháp quốc tế.

"Câu hỏi khó" của ngư dân Philippines

Tòa trọng tài tại La Hay, Hà Lan ngày 12/7 đã ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó nói rằng rằng ngư dân Philippines, cũng như ngư dân Trung Quốc, có quyền đánh cá truyền thống ở bãi cạn Scarborough và rằng Trung Quốc đã ngăn chặn các quyền này bằng cách hạn chế việc tiếp cận khu vực này. Trung Quốc đã từ chối công nhận phán quyết của tòa.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte muốn Trung Quốc tuân phủ phán quyết nhưng cam kêt sẽ không nêu ra vấn đề này vào tuần tới. Ông muốn thúc đẩy cách thức đàm phán song phương và tháng trước đã cử cựu Tổng thống Fidel Ramos làm đặc phái viên tới Hong Kong để gặp gỡ các đại diện của Trung Quốc.

Một dự thảo tuyên bố chung của ASEAN mà Reuters được xem hồi đầu tuần này đã liệt kê 8 điểm liên quan tới Biển Đông, nhưng không đề cập tới phán quyết trên.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết trước hội nghị cấp cao tại Lào rằng một máy bay của không quân Philippines đã bay trên bãi cạn Scarborough và phát hiện nhiều tàu hơn thường lệ trong đội tàu mà Trung Quốc duy trì kể từ khi chiếm bãi cạn năm 2012.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho rằng sự hiện diện của 6 tàu Trung Quốc ngoài các tàu tuần duyên trong khu vực là “một lo ngại nghiêm trọng”.

Một quan chức an ninh Philippines đi cùng Tổng thống Duterte cho biết chính phủ đang đối mặt với một thách thức nhằm giải thích tại sao các ngư dân Philippines không thể trở lại và đánh cá trong khu vực dù tòa trọng tài ra phán quyết rằng bãi cạn Scarborough là một ngư trường truyền thống cho tất cả mọi người.

“Chúng tôi giành chiến thắng trong phiên tòa phân xử, nhưng không thể thực thi điều đó. Làm thế nào để chúng tôi giải thích điều đó với các ngư dân của mình”, quan chức giấu tên trên tiết lộ. “Vì vậy, chúng tôi đã muốn thảo luận với Trung Quốc để giải quyết vấn đề này, nhưng tình hình này dường như đang khiến mọi chuyện trở nên khó khăn hơn. Tổng thống sẽ đặt câu hỏi ý về các ý định của Trung Quốc trong khu vực”.

Theo An Bình (Dân Trí)