Philippines bác đề xuất của Trung Quốc về bãi cạn Scarborough

27/10/2016 09:27:00

Trung Quốc muốn Philippines đồng ý tuyên bố chính thức rằng Bắc Kinh đã "cho phép" ngư dân Philippines trở lại bãi cạn Scarborough, nhưng Manila không đồng ý.

Trung Quốc muốn Philippines đồng ý tuyên bố chính thức rằng Bắc Kinh đã "cho phép" ngư dân Philippines trở lại bãi cạn Scarborough, nhưng Manila không đồng ý.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Hạ viện hôm 26-10, nghị sĩ Harry Roque, người tháp tùng Tổng thống Philippines trong chuyến thăm Trung Quốc tuần trước, cho biết đó cũng là lý do Manila và Bắc Kinh không ký thỏa thuận về việc cho phép ngư dân Philippines trở lại bãi cạn Scarborough trong chuyến thăm của ông Rodrigo Duterte.

Ông Roque cho biết phía Philippines từ chối sử dụng từ “cho phép” khi đề cập đến vấn đề ngư dân Philippines trở lại đánh bắt tại bãi cạn Scarborough, nơi PCA phán quyết là ngư trường chung.

Đó là lý do không có thỏa thuận vế vấn đề bãi cạn Scarborough.

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong chuyến thăm Bắc Kinh. Ảnh: AP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong chuyến thăm Bắc Kinh. Ảnh: AP

Theo ông Roque, Trung Quốc muốn sử dụng từ “cho phép” để củng cố vị thế của mình nhưng điều này là không chấp nhận được.

Ông Roque trích dẫn một nguồn tin Philippine có mặt tại các cuộc họp kín rằng từ ngữ là trở ngại chính khiến Trung Quốc và Philippines chính thức hóa thỏa thuận, mặc dù “về nguyên tắc” cả hai bên đã đồng ý người dân Philippines có thể trở lại bãi cạn đánh bắt cá.

“Tôi không thể dự đoán khi nào hai bên sẽ thống nhất được vấn đề này nhưng chúng tôi hy vọng điều đó sớm thực hiện. Vấn đề bây giờ là tìm kiếm từ ngữ thay thế” – ông Roque nói.

Ông Roque cũng đã đề xuất từ “công nhận” thay thế “cho phép”. Tuy nhiên, từ “công nhận” có thể là vấn đề bởi đó là từ được dùng trong phán quyết của PCA về bãi cạn Scarborough.

Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố tiến hành các cuộc tập trận ở biển Đông cả ngày 27-10, đồng thời ngang ngược yêu cầu tất cả tàu thuyền tránh xa nơi tập trận.

Địa điểm tập trận nằm ở phía Nam tỉnh Hải Nam và phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh chiếm giữ trái phép). .Cuộc tập trận mới này diễn ra chưa đầy một tuần sau khi tàu khu trục hải quân Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa, dẫn đến cảnh báo và chỉ trích của Trung Quốc.

Theo Xuân Mai (Nld.com.vn)

Nổi bật