Phía tối của 'giấc mơ Mỹ'

29/10/2021 09:35:51

Ngày 24-10, bất chấp mọi lời cảnh báo và hăm dọa, một đoàn khoảng 4.000 người di cư - chủ yếu là công dân Honduras và El Salvador - vẫn xuyên qua lãnh thổ Mexico tới biên giới phía Nam nước Mỹ. Đó cũng chỉ là một trong rất nhiều đợt sóng di cư dồn tới Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, hứa hẹn một cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất về vấn đề này, trong suốt 20 năm qua.

“Nước Mỹ là của mọi người!”

Băng qua những cố gắng ngăn cản của nhà chức trách Mexico, băng qua cả những bức tường chắn tua tủa các thiết bị chống bạo động, đoàn người không dừng lại. Trên tay họ là những tấm biểu ngữ: “Joe Biden vì tất cả!”, hay “Chúng tôi đến trong hòa bình”. Và, theo hãng RT, có những người đã thét lên với giới truyền thông đang chạy theo săn tin: “Nước Mỹ dành cho tất cả mọi người!”.

Nghe có vẻ là một thông điệp đầy lý tưởng cao đẹp. Tuy vậy, hiện thực lại xấu xí hơn rất nhiều, nhất là khi bạn đặt mình vào vị trí của công dân Mỹ - những người trực tiếp đóng thuế cho chính quyền liên bang, những người đang cảm thấy cuộc sống khó khăn hơn sau những đợt tăng thuế và cũng là những người đã, đang, chuẩn bị phải chứng kiến các gói cứu trợ dành cho người nhập cư tiếp tục được thông qua.

Phía tối của 'giấc mơ Mỹ'
Người di cư Trung Mỹ băng qua một con sông ở Mexico.

Hãy chú ý: Song song với bước đi của những dòng người nhập cư từ bên ngoài đổ về biên giới Mỹ, tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Mỹ Joe Biden đã sụt xuống mức 44,7%, nghĩa là giảm 11,3 điểm phần trăm trong 3 tháng qua. Tất nhiên, sự suy thoái về lòng tin này còn bắt nguồn từ những nguyên nhân then chốt khác, như việc số các ca mắc COVID-19 lại tăng mạnh, hay cuộc triệt thoái hỗn loạn khỏi Afghanistan. Song, sức ép từ những dòng người nhập cư từ Trung Mỹ - Caribean lên kết cấu kinh tế - xã hội của nước Mỹ cũng là một lý do quan trọng không thể không nhắc đến.

44,7% là mức tín nhiệm thấp nhất so với 11 Tổng thống Mỹ khác từ sau Thế chiến 2, ngoại trừ chính... người tiền nhiệm Donald Trump. Và ở đây, điều này mang một ý nghĩa nhất định, khi cũng theo kết quả khảo sát xã hội, có tới 78% cử tri thuộc đảng Cộng hòa muốn ông Donald Trump lại ra tái tranh cử vào năm 2024 tới. Nhưng, trước hết, đây sẽ là một trong những “mối hiểm họa” dành cho đảng Dân chủ, trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm tới.

Thực tế là đây: Sau khi Nhà Trắng đổi chủ, đến đầu tháng 5-2021, theo tính toán của các cơ quan hữu quan, trong năm nay nước Mỹ sẽ tiếp nhận 62.500 người nhập cư. Con số này cao hơn gấp 4 lần so với mức 15.000 người, từ thời ông Donald Trump. Nghĩa là, tiền bạc cũng như công sức để chăm lo cho chừng ấy sinh mạng cũng tăng theo cấp số nhân. Và, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trầy trật vì COVID-19, bất cứ khoản chi nào cũng sẽ tạo thêm những gánh nặng.

Điều đáng sợ là vì “giấc mơ Mỹ” đổi đời, những người di cư không quan tâm đến bất cứ rào cản nào. Họ kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden làm nhiều hơn nữa để cải cách chế độ nhập cư Mỹ, nghĩa là tạo điều kiện cho họ được đi qua biên giới dễ dàng hơn. Cũng theo RT, họ đổ lỗi cho điều kiện sinh hoạt tồi tệ cũng như tình trạng thiếu cơ hội thăng tiến ở Mexico là lý do chính biện hộ cho việc họ phải bỏ lại tất cả, lên đường tha hương.

Phía tối của 'giấc mơ Mỹ' - 1
Tổng thống Mỹ Joe Biden mắc kẹt giữa áp lực từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Tính đến thời điểm này của năm 2021, Cơ quan Biên phòng Mỹ đã bắt giữ 1,7 triệu người di cư bất hợp pháp. Cụ thể, trong giai đoạn được báo cáo kết thúc vào ngày 1-10, số vụ bắt giữ lên tới 1.734.686 người cố nhập cảnh vào Mỹ từ Mexico. Trong khi đó, năm 2020 - khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thắt chặt kiểm soát bằng những biện pháp khắc nghiệt, con số này là 458.088 người, còn trước đó - năm 2019 là 977.509 người. Đỉnh điểm, tháng 7-2021, số lượng người nhập cư bất hợp pháp bị bắt giữ là 213.593 người.

Đến mức độ, ngày 17-9, Cơ quan Biên phòng Mỹ buộc phải tạm thời đóng cửa trạm kiểm soát biên giới ở Del Rio. Khu vực ấy, lúc đó tập trung khoảng 10.000 người di cư từ Haiti. Song, chỉ 3 ngày sau, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo: Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dự định tăng gấp đôi hạn mức tiếp nhận người di cư vào nước này trong năm tài khóa 2022.

Và mới đây, ngày 9-10, Đại sứ Mỹ tại Mexico Ken Salazar nhấn mạnh: Dòng người di cư từ Haiti là vấn đề “rất quan trọng” đối với cả Washington, Mexico City lẫn Tây bán cầu, đồng thời cho rằng hai bên cần dẫn đầu tiến trình tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này. Trước đó 1 ngày, trong khuôn khổ Đối thoại an ninh cấp cao lần thứ nhất diễn ra tại thủ đô Mexico City, Mexico và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận hợp tác an ninh mới thay thế cho Sáng kiến Merida sau 13 năm triển khai. Sáng kiến mới có tên gọi “Khuôn khổ 2 thế kỷ Mỹ-Mexico vì an ninh, sức khỏe cộng đồng và các cộng đồng an toàn”, nhằm tăng cường trao đổi thông tin và giải quyết nguyên nhân gốc rễ tình trạng bạo lực.

Phía tối của 'giấc mơ Mỹ' - 2
Bức tường ngăn biên giới Mỹ - Mexico, giấc mơ dang dở của cựu Tổng thống Donald Trump.

Hoang phế trường thành

Kế hoạch đầy tham vọng: Xây một bức tường thành chắn dọc biên giới Mỹ - Mexico nhằm ngăn chặn những dòng người nhập cư bất hợp pháp từ Trung Mỹ và Caribean vào nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump đã không chỉ còn là một câu chuyện viển vông. Nửa cuối nhiệm kỳ của ông, bức trường thành ấy đã thực sự thành hình, đi kèm với những biện pháp ngăn chặn gắt gao và quyết liệt, nhằm phục vụ mục tiêu tối thượng: “Nước Mỹ trên hết” (America first). Theo cách nghĩ của Donald Trump, chủ nghĩa biệt lập ấy mới là điều phục vụ nhiều nhất cho lợi ích của các công dân Mỹ.

Tuy nhiên, ngay sau khi ông Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng, cả bức trường thành hữu hình ấy lẫn các rào chắn vô hình đều đã lần lượt bị dỡ bỏ. Bức tường chắn biên giới phía Nam đã không còn được cấp kinh phí để tiếp tục được hoàn tất. Và ngay tháng 1-2021, nước Mỹ chính thức tạm dừng chính sách “Ở lại Mexico” - căn bản pháp lý mà chính quyền ông Donald Trump sử dụng để ngăn cản những dòng người nhập cư.

Ngày 2-2, tân Tổng thống Joe Biden ký một loạt 3 sắc lệnh hành pháp, theo đó đảo ngược chính sách nhập cư của người tiền nhiệm. Ông nhấn mạnh: Hành động này là một phần nỗ lực “để xóa bỏ sự xấu hổ về đạo đức” của chính quyền tiền nhiệm “theo nghĩa đen, không phải nghĩa bóng”, đã “chia tách những đứa trẻ khỏi vòng tay của gia đình, cha mẹ ở biên giới mà không có kế hoạch gì khác để đoàn tụ họ”.

Phía tối của 'giấc mơ Mỹ' - 3
Người di cư hướng về nước Mỹ.

Trước đó, chính quyền mới cũng làm rõ: Mục tiêu của Tổng thống Biden là “khôi phục niềm tin vào hệ thống nhập cư hợp pháp, cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập của người Mỹ”. “Cựu Tổng thống Donald Trump đã quá tập trung vào bức tường, đến mức ông ấy không làm gì để giải quyết nguyên nhân gốc rễ khiến mọi người kéo đến biên giới phía nam của chúng tôi” - một quan chức phát biểu - “Đó là một chiến lược hạn chế, lãng phí, ngây thơ và nó đã thất bại”.

Vào thời điểm đó, những động thái thay đổi vẽ lên một bức tranh toàn cảnh đầy những gam màu lạc quan và tươi sáng. Tuy nhiên, khi chưa kịp làm rõ những “nguyên nhân gốc rễ” dẫn đến tình trạng các dòng người nhập cư ồ ạt tập trung đến biên giới Mỹ, những xoay chuyển trong tình thế (đặc biệt là các hệ lụy của đại dịch COVID-19) đã nhanh chóng tạo nên những ngã rẽ.

Đầu tháng 5-2021, Tổng thống Joe Biden đã phải nhận những sự chỉ trích dữ dội ngay từ trong nội bộ đảng Dân chủ, khi các khoản ngân sách liên bang phải duyệt chi đã ở mức báo động, nhất là sau gói 1.900 tỷ USD hỗ trợ vượt qua dịch bệnh. Khi ấy, theo RFI, “Trong cương lĩnh tranh cử, ông Joe Biden từng hứa tăng gấp 8 lần số người tị nạn trên lãnh thổ Mỹ. Một tháng sau khi ông đắc cử, tổng thống thứ 46 của Mỹ nhắc lại lời hứa đoạn tuyệt với chính quyền Trump về vấn đề di cư. Thế nhưng, cách đây vài tuần, Tổng thống Joe Biden đã khiến cánh tả kinh ngạc khi thông báo muốn duy trì hạn ngạch thấp ở mức lịch sử từ thời Tổng thống Trump, có nghĩa là hạn chế số người tị nạn vào lãnh thổ Mỹ hằng năm là 15.000”.

Phía tối của 'giấc mơ Mỹ' - 4
Dòng người di cư ào ạt đổ về biên giới Mỹ- Mexico.

Và bởi vậy, trên mạng Twitter, nữ nghị sĩ đảng Dân chủ Alexandra Occasio Cortez công kích: “Đó là một lựa chọn hoàn toàn không chấp nhận được”. Để rồi, đến ngày 3-5, Nhà Trắng buộc phải thông báo 62.500 người tị nạn có thể được vào Mỹ trong vòng 6 tháng tới. Con số này sẽ tăng lên thành 125.000 vào năm 2022.

Nói một cách hình tượng, ông chủ Nhà Trắng hiện tại có lẽ đang mắc kẹt với những lời cam kết của mình, kẹt giữa áp lực từ đảng Cộng hòa đòi siết chặt kiểm soát và áp lực từ chính đảng Dân chủ đòi bảo đảm thực hiện những chính sách “mở cửa”. Từ đó, một cuộc khủng hoảng bắt đầu bùng phát, khiến cả Mexico cũng “liên lụy”. Những hình bóng uy hiếp của nó, hiển nhiên, gợi lại cuộc khủng hoảng người nhập cư mà đến tận bây giờ vẫn còn đang chưa thôi “làm khó” Liên minh châu Âu.

Theo Mây Linh (An Ninh Thế Giới)

Nổi bật