Chắc chắn rất nhiều bạn đọc yêu quân sự Việt Nam đang rất mong chờ và hy vọng những chiếc tiêm kích Su-30SM tối tân nhất sẽ xuất hiện tại sân bay Nội Bài trong ít ngày tới.
Biến thể tiêm kích Su-30SM nói riêng và họ tiêm kích Su-30 "có cánh mũi" nói chung đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều quốc gia và nhận được nhiều đơn hàng lớn từ Ấn Độ, Malaysia, Algeria,... Bên cạnh đó, Su-30SM cũng đang đóng vai trò là xương sống của lực lượng Không quân và Không quân Hải quân Nga.
Chỉ riêng trong năm 2016, Nhà máy chế tạo hàng không Irkutsk đã sản xuất tổng cộng 29 chiếc Su-30 có cánh mũi, gồm 21 chiếc Su-30SM (12 chiếc cho Không quân Nga, 7 chiếc cho Không quân Hải quân Nga và 2 chiếc cho Kazakhstan), 8 chiếc Su-30MKA còn lại cho Algeria.
Ngoài những khách hàng kể trên, sau màn tình diễn ấn tượng ở Syria khi Su-30SM của Không quân Nga bay che đầu, bảo vệ cho các lực lượng Nga tác chiến ở chiến trường nóng bỏng này, khiến không quân Israel, NATO phải dè chừng, dòng Su-30 có cánh mũi đang tiếp tục thu hút được nhiều quốc gia khác quan tâm.
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng trong tương lai gần, Su-30 có cánh mũi sẽ là một trong những món hàng bán chạy như "tôm tươi" của ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Trong danh mục vũ khí chờ mua lên tới hàng chục tỷ USD mà các khách hàng đang đàm phán với Nga, chắc chắn sẽ có hàng tỷ USD được đầu tư cho dòng tiêm kích đa năng hiện đại này.
Tiêm kích Su-30SM của Không quân Nga. |
Tại sao họ Su-30 "có cánh mũi" lại hút khách đến vậy?
Thứ nhất, tính năng khí động học và khả năng thao diễn siêu hạng. Nhờ 2 động cơ có thể thay đổi hướng phụt hai chiều (2D), ngoại trừ Su-35 ở đẳng cấp khác thì Su-30SM có khả năng cơ động thuộc loại cao nhất thế giới và không có đối thủ xứng tầm.
Thứ hai, hệ thống radar, điện tử hàng không tiên tiến, mang được tất cả các loại vũ khí hiện đại. Tùy theo yêu cầu của khách hàng Su-30SM có thể tích hợp nhiều hệ thống điện tử và vũ khí tối tân nhất (kể cả của phương Tây)
Chúng có thể được lắp radar quét mảng pha thụ động đa kênh đa chế độ N-011M hoặc thậm chí là N-035 Irbis-E trên Su-35 với công suất hơn gấp đôi, nhiều kênh, nhiều chế độ hơn và khả năng phát hiện mục tiêu RCS 3m2đến 400km.
Thứ ba, giá thành hợp lý. Nếu so với Su-35 thì Su-30SM chỉ thua kém chút ít về những tính năng chủ chốt, chủ yếu là về khả năng thao diễn, còn toàn bộ vũ khí, khí tài nếu khách hàng yêu cầu, Hãng Sukhoi có thể tích hợp lên nó mọi thứ hiện đại nhất.
Nhưng quan trọng hơn là giá lại chỉ có khoảng chưa tới 60 triệu USD, thấp hơn nhiều so với đơn giá 85 triệu USD/chiếc mà Trung Quốc đã đặt mua.
Thứ tư, hai người lái giúp phi công chính tập trung vào điều khiển máy bay, còn hoa tiêu sẽ điều khiển các hệ thống vũ khí, nhờ vậy, thời gian phản ứng nhanh và chính xác hơn nhiều so với những dòng tiêm kích đa năng 1 người lái.
Những chiếc tiêm kích Su-30SM mới tinh của đội bay biểu diễn Tráng Sĩ Nga. |
Su-30SM sẽ tới Việt Nam?
Còn nhớ, cách đây tròn 4 năm, đội tiêm kích biểu diễn "Tráng sĩ Nga" gồm 5 chiếc Su-27 và 1 chiếc máy bay tiếp dầu IL-78 đã tới sân bay Nội Bài để tiếp nhiên liệu và nghỉ ngơi sau chuyến biểu diễn thành công tại Triển lãm hàng không LIMA-2013 ở Malaysia, khiến nhiều người đam mê quân sự Việt Nam nức lòng.
Năm nay, 2017, liệu lịch sử có lặp lại? Nhiều khả năng là có, bởi lẽ các "Tráng sĩ Nga" đã nhận được "lệnh" bay biểu diễn tại Triển lãm hàng không LIMA-2017 diễn ra từ ngày 21-25 tháng 3 tới đây, cũng ở Malaysia.
Tư lệnh Không quân - Vũ trụ Nga, Tướng Viktor Bondarev cho biết: "Hiện nay, Đội tiêm kích biểu diễn "Tráng sĩ Nga" với những phi công đẳng cấp đang tập luyện những bài bay mà những chiếc tiêm kích đa năng Su-30SM sẽ thực hiện trong những ngày tham gia triển lãm. Đây cũng là lần đầu tiên những chiếc máy bay mới này trình diễn ở nước ngoài".
Tướng Bondarev còn tiết lộ thêm rằng tại LIMA-2017, "Tráng sĩ Nga" sẽ thực hiện màn biểu diễn "tứ tấu" với 4 chiếc tiêm kích Su-30SM. Như vậy, có thể phỏng đoàn rằng sẽ có ít nhất 5 chiếc Su-30SM được đưa tới Malaysia (1 chiếc dự bị) kèm theo máy bay tiếp dầu trên không IL-78 để thực hiện chuyển sân đường dài.
Các máy bay tiêm kích Su-27 của Phi đội bay biểu diễn "Tráng sĩ Nga" tại Nội Bài năm 2013. Ảnh: Anh Tuấn. |
Được thành lập từ năm 1991, trải qua 25 năm sử dụng tiêm kích Su-27, kể từ mùa thu năm ngoái Đội bay biểu diễn "Tráng sĩ Nga" đã nhận được những chiếc tiêm kích đa năng Su-30SM "siêu cơ động" và kể từ ngày 01/12/2016 vừa qua, đơn vị này đã chính thức bay huấn luyện cùng máy bay mới.
Nhiệm vụ chính của họ là biểu diễn những tiết mục mới, khai thác tối đa tính năng, sức mạnh, những điểm vượt trội của Su-30SM tại các triển lãm hàng không nhằm quảng bá, tìm kiếm khách hàng để xuất khẩu dòng máy bay này.
Truyền thông Nga cho rằng, cho đến nay, ít nhất cũng đã có Kazakhstan. Belarus chính thức đặt mua, trong khi nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi bày tỏ sự quan tâm tới dòng tiêm kích đa năng hiện đại này.
Trong đó, Không quân Việt Nam cũng đang trên đà hiện đại hóa lực lượng máy bay chiến đấu đã tương đối già cỗi của mình bằng những dòng máy bay mới, vì thế, Sukhoi đưa Su-30SM tới tận nơi, "ra mắt" một trong những khách hàng thân thiết nhất há chẳng phải quá tuyệt vời hay sao?
Chưa biết liệu các máy bay Su-30SM có chính thức ghé qua Nội Bài hay không, nhưng chúng ta có quyền hy vọng sẽ được nhìn thấy những chiếc máy bay tiêm kích đa năng hiện đại này sẽ xuất hiện trên bầu trời Thủ đô Hà Nội, được tận mắt nhìn thấy những phi công đẳng cấp nhất của Nga.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật ngay khi có thông tin chính thức.
Theo Tuấn Sơn (Thời Đại)