Video: Bếp ăn phục vụ 5.000 thủy thủ trên tàu sân bay Carl Vinson
Môi trường hoạt động trên tàu sân bay khiến phi công cần những kỹ năng đặc biệt mà cả những phi công dày dạn nhất cũng phải "toát mồ hôi". Chính vì thế, không phải là nói quá khi nói phi công hoạt động trên tàu sân bay là những người có kỹ năng bay điêu luyện và dũng cảm nhất trong giới phi công quân sự Mỹ.
Con đường trở thành phi công hải quân
Khi xét về các tiêu chí đầu vào, phi công hải quân và phi công không quân Mỹ không có nhiều khác biệt. Sau khi đáp ứng cả yêu cầu về sức khỏe và tâm lý, các học viên phi công đều trải qua 2 năm đào tạo và hoàn thiện kỹ năng bay để trở thành phi công quân sự chính thức.
Giai đoạn đào tạo lý thuyết cho phi công diễn ra tại căn cứ không quân Columbus ở Mississippi, căn cứ không quân Laghlin ở Texas hoặc căn cứ không quân Vance ở Oklahoma. Quá trình đào tạo này giúp các học viên nắm được những quy hoạt hoạt động, an toàn của quân đội, cũng như kỹ thuật bay cơ bản.
Sau quá trình đào tạo cơ bản, các học viên phi công Mỹ sẽ trải qua khóa huấn luyện chuyên sâu kéo dài khoảng 1 năm để phân loại và xác định nhánh phi công tương lai mỗi học viên sẽ theo đuổi.
Tại trung tâm huấn luyện, các học viên theo các khóa học kéo dài 10-12 tiếng mỗi ngày tập trung vào đào tạo phi công kỹ năng bay thông qua thiết bị mô phỏng và máy bay huấn luyện. Sau 1 năm đào tạo, căn cứ vào trình độ phi công, học viên được phân loại và phân vào các lớp đào tạo đặc biệt sử dụng máy bay huấn luyện T-1 và T-38.
Đây chính là thời điểm, học viên chọn lựa con đường trở thành phi công hải quân hay không quân. Nếu chọn lựa con đường phi công hải quân, học viên sẽ bắt đầu khóa học căn bản kéo dài 6 tháng dành cho phi công hải quân.
Chỉ có những học viên có kỹ năng tốt và đáp ứng các yêu cầu khắt khe mới được tiếp tục chương trình huấn luyện với máy bay huấn luyện có thiết kế móc hãm để luyện tập kỹ năng đặc biệt là cất và hạ cánh trên tàu sân bay.
Thông thường, khóa đào tạo phi công hải quân làm việc trên tàu sân bay Mỹ kéo dài 23 tuần tại căn cứ NAS Kingsville, Texas hoặc NAS Meridian, Mississippi. Trong quá trình huấn luyện, học viên được làm quen với kỹ năng cất, hạ cánh trên tàu sân bay, cách định hướng và lấy cân bằng động khi lái máy bay hoạt động trên tàu sân bay và nhiều kỹ năng đặc biệt khác.
Theo lời học viên đã trải qua khóa huấn luyện đặc biệt này, quá trình tập luyện cất và hạ cánh trên tàu sân bay là vất vả nhất. Kể cả những học viên có kỹ năng tốt nhất cũng mất rất nhiều thời gian làm quen và có được những cú cất và hạ cánh tiêu chuẩn trên tàu sân bay dù có những thiết bị hỗ trợ hàng không hiện đại.
Từ phi công hải quân tới đẳng cấp "cú vọ"
Khi nói về hoạt động của phi công trên tàu sân bay Mỹ nói riêng, cũng như các tàu sân bay của hải quân các quốc gia trên thế giới nói chung, một điểm chung là mặt boong trên tàu sân bay có giới hạn rất nhiều về kích thước so với sân bay trên bộ. Chính vì thế, để đảm bảo hoạt động an toàn trên tàu sân bay, phi công hải quân cần có trình độ cao, cũng như năng khiếu đặc biệt.
Do hạn chế về kích thước đường băng, sự dao động của mặt boong tàu do tác động của sóng biển, nên việc cất và hạ cánh gặp rất nhiều trở ngại. Hiện tại, trên tàu sân bay Mỹ, quá trình máy bay cất cánh được hỗ trợ bởi máy phóng hơi nước.
Nhờ hỗ trợ của hệ thống dẫn đường trên tàu sân bay, thao tác của phi công trong giai đoạn này được đơn giản hóa. Quy trình được tự động hóa hoàn toàn, phi công chỉ phải làm chủ máy bay sau khi nó cất cánh.
Tuy nhiên, điều này hoàn toàn trái ngược khi máy bay hạ cánh. Trên biển, việc xác định khoảng cách và vị trí hạ cánh trên tàu sân bay rất khó khăn. Ngoài ra, mặt boong tàu luôn dao động do tác động của sóng biển, nên phi công rất khó để xác định vị trí đáp và khi đáp, máy bay dễ bị trượt xuống biển.
Để hãm bắt máy bay hạ cánh, trên sàn tàu sân bay luôn có 6-8 cáp hãm đặt song song với nhau. Các dây cáp này sẽ triệt tiêu gần như ngay lập tức tốc độ của máy bay để chúng đậu lại trên boong. Đối với phi công hải quân, một cú hạ cánh đẹp là phải móc được vào cáp hãm từ số 2 tới 4.
Không như hạ cánh trên mặt đất, thay vì phải giảm tốc, khi hạ cánh trên tàu sân bay, máy bay lại phải tăng tốc và động cơ máy bay hoạt động ở chế độ cao nhất để phòng ngừa trường hợp nếu dây cáp hãm tốc bị đứt hoặc móc hãm không móc được vào dây cáp, máy bay vẫn đủ gia tốc để tiếp tục cất cánh ngay và tiến hành hạ cánh lần tiếp theo.
Khi thực hiện hoạt động cất và hạ cánh trên tàu sân bay vào ban ngày đã khó khăn, thì hoạt động này trong đêm tối còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Việc xác định được vị trí của tàu sân bay trong đêm tối trên biển giống như tìm chiếc lá giữa đại dương.
Hạn chế quan sát của phi công trong đêm tối cũng là một yếu tố khiến công việc cất và hạ cánh trên tàu sân bay trong đêm tối là công việc thực sự nguy hiểm dù có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại.
Trong giới phi công hải quân Mỹ, những phi công thành thạo khả năng cất và hạ cánh trong đêm tối trên tàu sân bay được vinh danh với tên gọi đặc biệt là "cú vọ". Đó là danh hiệu bất kỳ phi công hải quân nào cũng khao khát.
Rõ ràng, với đặc thù hoạt động cần kỹ năng đặc biệt và điêu luyện, thậm chí là cần một phần may mắn, phi công hải quân rõ ràng là "bậc thầy" trong giới phi công quân sự.
Theo Ngọc Huy (Soha/Trí Thức Trẻ)