Phi công Nhật có số phận bi thảm nhất Thế chiến II

10/03/2017 08:09:00

Được tin vợ con đã tự tử để không khiến mình vướng bận, phi công Hajime Fujii viết đơn bằng máu để thực hiện cuộc tấn công tự sát vào chiến hạm Mỹ.

Được tin vợ con đã tự tử để không khiến mình vướng bận, phi công Hajime Fujii viết đơn bằng máu để thực hiện cuộc tấn công tự sát vào chiến hạm Mỹ.

 
Ngày 28/5/1945, hai tiêm kích Nhật Bản tấn công và đánh đắm tàu khu trục USS Drexler (DDG -741) của hải quân Mỹ bằng chiến thuật kamikaze (tấn công tự sát). Một trong hai phi công điều khiển chiếc máy bay này là Hajime Fujii, người lính có số phận rất bi thảm trong Thế chiến II, theo War History.

Hajime Fujii sinh ngày 30/8/1915 ở tỉnh Ibaraki, Nhật Bản. Sau khi nhập ngũ và tham chiến ở Trung Quốc, Fujii bị một mảnh đạn pháo văng trúng tay trái. Sau đó, anh về nước và kết hôn với Fukuko, y tá chiến trường từng tham gia điều trị vết thương cho mình. Gia đình họ sống hạnh phúc với hai cô con gái.

Sau khi tốt nghiệp Học viện không quân năm 1943, Fujii được giao nhiệm vụ giảng dạy ở Trường không quân Kumagaya về nhân cách và tinh thần kỷ luật, trong đó có việc giáo dục lòng trung thành và yêu nước, cũng như giá trị của việc lao máy bay vào tàu chiến và doanh trại đối phương. Theo những học viên sống sót, Fujii luôn nói rằng anh sẵn sàng chết cùng họ nếu có thể.

Theo sử gia Shahan Russell, khi tham gia Thế chiến II, Nhật Bản không có ý định đào tạo phi công kamikaze và điều họ đi thực hiện nhiệm vụ tự sát kiểu này. Tuy nhiên, khi chiến thắng chớp nhoáng không đến như mong đợi, họ đã cân nhắc đến chiến thuật kamikaze nhằm gây thiệt hại tối đa cho quân Đồng minh.

Nhật Bản lúc đó là quốc gia mới công nghiệp hóa, đa phần công nghệ nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu. Khi bị áp lệnh trừng phạt vì tấn công Trung Quốc, mọi thứ trở nên tồi tệ với Nhật Bản, dẫn đến trận tập kích Trân Châu Cảng.

Sau những thất bại nặng nề trước quân Đồng minh, nền công nghiệp Nhật Bản không thể sản xuất đủ chiến hạm và máy bay để thay thế những chiếc đã mất, đồng thời họ cũng mất dần những binh sĩ dày dặn kinh nghiệm.

phi-cong-nhat-co-so-phan-bi-tham-nhat-the-chien-ii
Ảnh chân dung Hajime Fujii. Ảnh: War History.

Đến năm 1944, trong cơn tuyệt vọng, quân đội Nhật thành lập đơn vị tấn công đặc biệt (shinbutai), bao gồm các phi đội tự sát của hải quân và lục quân. Với châm ngôn "nói đi đôi với làm", sau nhiều tháng dạy học viên tấn công cảm tử, Fujii nộp đơn tham gia nhiệm vụ tự sát nhưng bị từ chối vì giá trị của anh, cũng như việc Fujii là người có gia đình.

Do bị trúng mảnh đạn pháo, Fujii không thể điều khiển máy bay, cũng như việc không thể cùng học viên thực hiện các cuộc tấn công tự sát vào chiến hạm Mỹ khiến phi công này phiền lòng.

Người vợ Fukuko khuyên Fujii tránh xa chiến tranh vì hai con nhỏ. Càng có nhiều học viên lên đường làm nhiệm vụ không trở lại, anh càng bị dằn vặt nhưng tiếp tục bị từ chối trong lần nộp đơn thứ hai.

Thấy chồng bị dằn vặt và sống như người mất hồn, sáng 14/12/1944, khi chồng đi vắng, Fukuko cùng hai con gái một tuổi và ba tuổi đã mặc những bộ kimono đẹp nhất. Fukuko viết thư hối thúc chồng thực hiện nhiệm vụ quốc gia và không nên lo lắng cho gia đình, cho biết họ sẽ đợi anh. Sau đó, Fukuko bế con đến trước bờ sông Arakawa và nhảy xuống sông tự tử.

Cảnh sát tìm thấy thi thể vợ con Fujii sáng hôm đó và đưa anh đến hiện trường. Tối hôm đó, Fujii cắt ngón tay để viết tâm thư gửi quân đội.

Ngày 8/2/1945, Fujii trở thành phi đội trưởng phi đội cảm tử số 45. Sáng sớm ngày 28/5, 9 chiến đấu cơ thuộc phi đội này bay tới đảo Okinawa, áp sát hai khu trục hạm USS Drexler và USS Lowry của Mỹ.

phi-cong-nhat-co-so-phan-bi-tham-nhat-the-chien-ii-1
USS Drexler khi tham chiến ở Thái Bình Dương. Ảnh: War History.

Tiêm kích của Fujii lao thẳng vào USS Drexler, phát ra tiếng nổ dữ dội, khiến con tàu bị chìm trong vòng 5 phút và làm 158 thủy thủ Mỹ thiệt mạng.

Theo Duy Sơn (VnExpress.net)