Sau khi va chạm 1 máy bay khác, phi công Zivi Nedivi của Israel khéo léo đưa chiếc F-15D tơi tả hạ cánh an toàn xuống sân bay mà không biết máy bay bị gãy mất 1 cánh.
Theo trang tin Wearethemighty ngày 11.4, sự cố hy hữu này xảy ra vào năm 1983, trên bầu trời sa mạc Negev ở Israel. Hôm đó Không quân Israel diễn tập không chiến giữa 2 chiến đấu cơ F-15D (2 chỗ ngồi) và 4 chiếc A-4N Skyhawk (Mỹ chế tạo, cũ hơn). Chiếc F-15 số hiệu 957 do phi công Zivi Nedivi lái.
Trong khi diễn tập, bất ngờ chiếc F-15D của Nedivi va chạm một chiếc A-4 khiến chiếc A-4 nổ tung, phi công máy bay này được ghế phóng ra ngoài và nhảy dù an toàn. Còn máy bay F-15D của Nedivi lắc lư chao đảo và anh ta báo với hoa tiêu ngồi phía sau rằng sẽ nhảy dù. Tuy nhiên khi điều khiển cho máy bay cân bằng, Nedivi thấy vẫn có thể làm chủ được máy bay nên anh ta quyết định hạ cánh xuống sân bay gần nhất cách đó 16 km.
Nedivi cho giảm tốc máy bay và khởi động buồng đốt hậu (afterburner) để lấy lại cân bằng cho máy bay, và cả hai người trên chiếc F-15D đều không hay biết máy bay họ bị mất cánh bên phải!
Chiếc máy bay này hạ cánh xuống sân bay với tốc độ khi hạ cánh gần gấp đôi vận tốc thông thường, và máy bay dừng lại khi còn cách hàng rào an toàn trên đường băng chỉ… 10 m.
Chỉ khi xuống máy bay và được huấn luyện viên bắt tay chúc mừng, Nedivi mới biết máy bay của anh mất 1 cánh bên phải và anh đã điều khiến chiếc máy bay F-15D hạ cánh thành công dù chỉ còn 1 cánh trái.
|
Ly kỳ máy bay F-15D hạ cánh dù chỉ còn có 1 cánh bên trái
|
Theo The Aviationist, hãng chế tạo máy bay Mỹ McDonnell Douglas thì khẳng định không thể hạ cánh F-15 với chỉ 1 cánh, nhưng khi xem các bức ảnh chụp máy bay của Nedivi, hãng này khen tài năng phi công lẫn nhờ tính năng của động cơ và cấu trúc thân máy bay của hãng (?).
Và chỉ sau 2 tháng khi được thay cánh mới, chiếc F-15D của Nedivi lại cất cánh bình thường.
F-15 do hãng McDonnell Douglas (Mỹ) sản xuất từ đầu những năm 1970 để đối chọi loại tiêm kích MiG-25 của Liên Xô. Tuy sản xuất đã lâu, nhưng F-15 Eagle có số lượng nhiều thứ ba trên thế giới: 869 chiếc. Loại máy bay này có trong thành phần không lực của 6 nước là Mỹ, Nhật Bản, Israel, Ả Rập Xê Út, Hàn Quốc và Singapore.
|
F-15 I loại 2 chỗ ngồi của Không quân Israel - Ảnh: Wikimedia |
F-15 mới đầu được thiết kế để làm nhiệm vụ không chiến, nhưng sau đó được cải biến thành máy bay tiêm kích - ném bom F-15E Strike Eagle. Máy bay thiết kế theo mô hình khí động học thông thường, trọng tải lớn nhất 30,9 tấn, có thể đạt vận tốc cao nhất 2.700 km/giờ với tầm bay 5.600 km. Bán kính tác chiến của F-15 là 1.900 km. Máy bay trang bị pháo M61 loại 20 mm với cơ số đạn là 940 viên, có 11 giá treo tên lửa, bom với tổng trọng lượng 7,3 tấn.
Xem lần hạ cánh của F-15D chỉ với 1 cánh tại Israel, năm 1983:
Theo Anh Sơn (Thanh Niên Online)