Các thành viên của đội cứu hộ trục vớt mảnh vỡ nghi là đuôi máy bay QZ8501 |
Ngày 2/1/2015, các đội tìm kiếm - cứu nạn Indonesia thu hẹp khu vực tìm kiếm chuyến bay QZ8501 của AirAsia Indonesia, hy vọng sẽ tìm được thêm nhiều thi thể nạn nhân, thân máy bay và hộp đen. Tính đến đêm 2/1/2015, các lực lượng tìm kiếm của Indonesia và quốc tế trục vớt được 30 thi thể và nhiều đồ vật.
Tối 2/1/2015, Đại tá Yayan Sofiyan, chỉ huy tàu Bung Tomo của hải quân Indonesia, thông báo, đã nhìn thấy phần đuôi của chiếc Airbus A320-200 xấu số ở độ sâu 29m. Ông Sofiyan tiết lộ thông tin này cho MetroTV (truyền hình trực tuyến của Indonesia) khi đang đứng trên boong tàu.
Các điều tra viên Pháp và Singapore đã gia nhập lực lượng tìm kiếm chiếc Airbus A320-200 chở 162 người đột ngột biến mất khỏi màn hình radar sáng 28/12/2014 khi đang trên đường từ Surabaya (thành phố lớn thứ hai ở Indonesia) tới Singapore trong khi trời mưa bão.
Tàu khu trục RSS Supreme của Hải quân Singapore ngày 2/1/2015 phát hiện một phần cửa sổ máy bay.Ảnh: CNA |
|
Khu vực tìm kiếm QZ8501. |
Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm – Cứu nạn Quốc gia Indonesia, ông Bambang Soelistyo, cho biết, chiến dịch tìm kiếm hôm 2/1/2015 tập trung vào khu vực rộng 2.917 km2, chỉ bằng 1/10 diện tích khu vực tìm kiếm một ngày trước đó. Có 29 tàu và 17 máy bay tham gia tìm kiếm hôm 2/1/2015.
“Có hai nhiệm vụ chính trong lĩnh vực ưu tiên này. Thứ nhất, xác định vị trí phần lớn nhất của thân máy bay. Thứ hai, định vị được các hộp đen. Ủy ban An toàn Vận tải Quốc gia Indonesia thực hiện nhiệm vụ này từ hôm nay”, ông Soelistyo nói với báo giới hôm 2/1/2015. Ông Soelistyo thông báo: “Các thợ lặn trên tàu hải quân Banda Aceh (Indonesia) sẽ ưu tiên tìm kiếm thân máy bay”.
Trước khi cất cánh, phi công chuyến bay QZ8501 yêu cầu được bay cao hơn để tránh một cơn bão. Tuy nhiên, yêu cầu của ông không được chấp thuận vì có một số máy bay khác bay phía trên QZ8501, cơ quan điều khiển hoạt động trên không của Indonesia, AirNav, thông báo. Trong lần liên lạc cuối cùng từ QZ8501 (khoảng 40 phút sau khi máy bay cất cánh), cơ trưởng Irianto, cựu phi công lái máy bay chiến đấu dày dạn kinh nghiệm của Không quân Indonesia, nói rằng, ông muốn đổi đường bay để tránh một cơn bão nguy hiểm. Sau đó, máy bay hoàn toàn mất liên lạc. |
>> XEM TOÀN CẢNH VỤ MÁY BAY AIRASIA MẤT TÍCH