Chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines chở 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn mất tích vào tháng 3.2014 trong khi bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh.
Bất chấp những nỗ lực tìm kiếm quốc tế dưới đáy biển Ấn Độ Dương và dù đã phát hiện được một số mảnh vỡ của MH370, đến nay chiếc Boeing 777 vẫn chưa được tìm thấy và đây vẫn là bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không thế giới.
Cuộc săn lùng MH370 trên toàn thế giới gần đây được hâm nóng khi Daily Star tiết lộ phát hiện của một chuyên gia công nghệ người Anh tên là Ian Wilson dựa trên Google Maps về một chiếc máy bay được cho là MH370 trong rừng rậm Campuchia.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng vị trí chiếc máy bay được anh Wilson phát hiện không phù hợp với những dữ liệu đưa ra trước đó. Tưởng chừng cuộc tìm kiếm MH370 lại lâm vào bế tắc thì tuần trước thiếu niên Daniel Boyer, 17 tuổi lại công bố hình ảnh máy bay nghi là MH370 trong rừng rậm Campuchia, nằm ở phía tây bắc thủ đô Phnom Penh. Vị trí chiếc máy bay gồm phần mũi, cửa và đuôi mà Boyer phát hiện chỉ cách vị trí chiếc máy bay được chuyên gia công nghệ Ian Wilson khám phá khoảng 10 dặm (16km).
Và phát hiện của cậu thiếu niên Daniel Boyer đang được ca ngợi là "bước đột phá lớn" trong việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines.
Điều tra viên tình nguyện Andre Milne tin rằng hình ảnh vệ tinh mà Daniel Boyer công bố có thể chính là nơi MH370 gặp nạn.
Ông Milne - người sáng lập công ty công nghệ quân sự Unicorn Aerospace - nhận định rằng: "Phát hiện của cậu bé Boyer rõ ràng cần phải được kiểm tra chi tiết hơn khi nó trùng khớp với khu vực mà Malaysia từng công bố (sau đó phủ nhận) rằng MH370 đã được phát hiện sau khi nó biến mất khỏi màn hình radar.
Công ty truyền hình vệ tinh Inmarsat từng vạch ra một số tuyến đường bay tiềm năng của MH370 sau khi chiếc máy bay biến mất dựa trên những dấu hiệu như một loạt liên lạc tự động giữa máy bay và vệ tinh khi nó đang bay.
Theo đó, nhiều giờ sau khi MH370 cất cánh từ Kuala Lumpur để đến Bắc Kinh, liên lạc tự động cuối cùng của máy bay với vệ tinh được xác định là diễn ra trong một khu vực có bán kính chạy qua Campuchia.
Từ đó, Inmarsat cho biết, họ tin rằng, MH370 có thể bị rơi ở 2 khu vực tiềm năng - hành lang phía bắc và phía nam. Vòng cung phía bắc chạy từ miền nam Trung Quốc đến Uzbekistan. Và vòng cung phía nam chạy qua Ấn Độ Dương. Theo Inmarsat, MH370 có thể rơi ở một trong 2 hành lang này.
Máy bay nghi là MH370 được cậu bé Boyer phát hiện nằm cách phía tây của thủ đô Phnom Penh 95 km. Đây là khu vực kiểm soát không lưu từng được thẩm tra sau khi MH370 biến mất. Theo Daily Star, kiểm soát không lưu thậm chí còn từng nói rằng, MH370 đã ở trong không phận Campuchia vào một thời điểm nhất định nhưng tuyên bố này sau đó bị xem là không chính xác.
Báo cáo điều tra chính thức về MH370 khẳng định, việc phân tích dữ liệu radar và vệ tinh cho thấy MH370 đã bay quay lại dọc theo bán đảo Malaysia sau đó hướng tới Ấn Độ Dương. Báo cáo sau đó kết luận, MH370 hết nhiên liệu và rơi xuống vùng biển phía Tây nước Úc.
Theo Phương Đăng (Dân Việt)