Mùa Hè 2020, nửa năm sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các nhà khoa học tới những cánh rừng ở miền Bắc Lào để bắt những con dơi có thể mang họ hàng gần của virus SARS-CoV-2.
Trong màn đêm, họ dùng lưới sương và bẫy vài để bắt dơi, sau khi chúng bay ra từ những hang động và lấy mẫu nước dãi, nước tiểu và phân, sau đó thả dơi trở lại nơi sinh sống.
Các mẫu phân dơi có mang virus corona, được các nhà khoa học nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm an ninh sinh học cao.
Ba trong số các chủng virus corona tìm thấy ở Lào có những khác biệt đáng chú ý: trên bề mặt của chúng có một tay bám phân tử tương tự tay bám của virus SARS-CoV-2. Tay bám này giúp virus có thể bám vào tế bào con người.
Tay bám của những chủng virus này thậm chí còn bám vào tế bào người "tốt hơn các chủng SARS-CoV-2 ban đầu", nhà virus học Marc Eloit thuộc Viện Pasteur Paris nói. Nghiên cứu về các chủng virus corona này đã được đăng tải trên mạng internet hồi tháng trước, nhưng chưa được xuất bản trên các tuần san khoa học.
Các chuyên gia virus rất chú ý tới phát hiện này. Một số ý kiến cho rằng các loài virus giống SARS-CoV-2 này có thể đã lây lan cho con người, gây ra những đợt bùng phát nhẹ có giới hạn. Tuy vậy, với điều kiện thích hợp, các mầm bệnh có thể gây ra những đại dịch giống như Covid-19, New York Times dẫn lời các chuyên gia cho biết.
Các phát hiện kể trên cũng góp phần quan trọng vào cuộc tranh luận về nguồn gốc Covid-19, theo các chuyên gia. Một số ý kiến đồn đoán rằng khả năng lây lan giữa người với người của SARS-CoV-2 không thể là kết quả của quá trình tiến hóa thông qua lây nhiễm tự nhiên từ động vật, tuy vậy các phát hiện mới này chứng minh điều ngược lại.
"Phát hiện đó đã chấm dứt mọi giả thuyết rằng virus phải được tạo ra, hay được chỉnh sửa trong phòng thí nghiệm thì mới có thể lây nhiễm cho con người hiệu quả như vậy," nhà virus học Michael Worobey thuộc Đại học Arizona nói.
Các chủng virus trên loài dơi kể trên, cùng nhiều chủng khác được phát hiện trong những tháng gần đây ở Lào, Campuchia, Trung Quốc và Thái Lan cũng sẽ giúp các nhà nghiên cứu đưa ra những kế hoạch đối phó tốt hơn cho các đại dịch trong tương lai.
"Gia phả" của các chủng virus sẽ là chỉ dấu quan trọng để các nhà khoa học biết được những chủng virus nguy hiểm xuất hiện ở đâu, hoặc những động vật nào cần phải xem xét để phát hiện chúng.
Tuần trước, chính phủ Mỹ công bố dự án trị giá 125 triệu USD nhằm xác định hàng ngàn chủng virus hoang dã ở châu Á, Mỹ Latin và châu Phi, qua đó xác định nguy cơ lây lan sang con người. Bác sĩ Eloit dự đoán sẽ còn nhiều họ hàng của SARS-CoV-2 có thể sẽ được phát hiện.
Khi SARS-CoV-2 lần đầu được xác định, họ hàng gần nhất mà giới khoa học biết đến là một chủng virus corona trên dơi được các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát hiện hồi năm 2016 ở một hầm mỏ tại miền Nam tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Virus này tên gọi RaTG13, bộ gen giống 96% so với SARS-CoV-2.
Dựa trên các đột biến trên từng loại virus, các nhà khoa học ước tính RaTG13 và SARS-CoV-2 có chung tổ tiên đã nhiễm sang loài dơi cách đây 40 năm.
Hai chủng virus đều xâm nhập vào tế bào bằng tay bám phân tử bám vào bề mặt tế bào. Tay bám của RaTG13 đã tiến hóa để bám vào tế bào dơi nên không hiệu quả khi bám vào tế bào của con người. Trong khi đó, tay bám của SARS-CoV-2 có thể bám chắc vào tế bào trong đường hô hấp của con người.
Để tìm kiếm các họ hàng gần khác của SARS-CoV-2, các chuyên gia virus đã kiểm tra các mẫu mà họ thu thập được trên khắp thế giới. Họ xác định một vài virus tương tự trong khu vực. Hầu hết là virus trên loài dơi, nhưng cũng có virus trên tê tê. Không có họ hàng nào gần gũi hơn RaTG13.
Tiến sĩ Eloit và các cộng sự sau đó đã tìm kiếm các chủng virus corona mới.
Họ di chuyển tới miền Bắc Lào. Trong sáu tháng họ bắt được tổng cộng 645 cá thể dơi, thuộc 45 loài khác nhau. Những con dơi này mang theo hơn 20 loại virus corona, trong đó có ba chủng rất giống SARS-CoV-2, đặc biệt là ở vùng gắn thụ thể.
Virus RaTG13 có tổng cộng 11/17 điểm giống virus SARS-CoV-2 ở vùng gắn thụ thể, nhưng ba chủng virus ở Lào có tới 16/17 điểm giống, mức cao nhất mà các nhà khoa học ghi nhận.
Tiến sĩ Eloit cho rằng ít nhất một chủng virus corona kể trên có thể lây sang con người và gây ra bệnh nhẹ. Trong một nghiên cứu riêng biệt, ông và các cộng sự lấy mẫu máu người dân Lào làm nghề bắt dơi hoặc nhặt phân dơi. Những người này không có dấu hiệu đã từng nhiêm SARS-CoV-2, nhưng có kháng thể dường như được sản sinh ra do một loại virus tương tự.
Linfa Wang, nhà virus học thuộc Trường Y Duke-Nus ở Singapore cho rằng khả năng nhiễm bệnh là có thể, do các chủng virus mới phát hiện này có thể bám vào protein ACE2 trên tế bào con người.
"Nếu vùng gắn thụ thể sẵn sàng sử dụng ACE2, những người đó gặp nguy hiểm rồi," bác sĩ Wang nói.
Điều kỳ lạ là những gene khác trên ba chủng virus corona ở Lào lại khác xa SARS-CoV-2 hơn các chủng virus corona trên dơi khác. Điều này cho thấy quá trình tiến hóa của virus corona khá phức tạp.
Nếu một cá thể dơi nhiễm cùng lúc hai chủng virus corona, hai chủng này có thể xâm nhập vào một tế bào đơn lẻ cùng lúc. Khi tế bào này bắt đầu tái tạo hai virus, gene của chúng có thể kết hợp với nhau, tạo ra virus lai mới.
Trong các chủng virus corona ở Lào, sự kết hợp gene này đã tạo ra vùng gắn thụ thể rất giống SARS-CoV-2. Việc kết hợp gene ban đầu có thể đã xảy ra cách đây khoảng 10 năm, theo phân tích ban đầu của Spyros Lytras, sinh viên tốt nghiệp Đại học Glasgow ở Scotland.
Lytras và các đồng nghiệp hiện đang so sánh SARS-CoV-2 không chỉ với các chủng virus mới ở Lào mà còn với các họ hàng gần khác đã được phát hiện trong những tháng gần đây. Họ đã tìm thấy nhiều bằng chứng về sự kết hợp gene. Quá trình này, còn được biết đến với tên gọi tái tổ hợp di truyền, có thể đã và đang thay đổi virus theo từng năm.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)