Thành Cát Tư Hãn (1162-1227) là một trong những nhà quân sự nổi tiếng nhất trong lịch sử thế giới. Năm 1206, ông thống nhất các bộ lạc Mông Cổ, lập ra đế quốc Mông Cổ.
Ở thời điểm Thành Cát Tư Hãn qua đời, đế quốc Mông Cổ là thế lực mạnh nhất thế giới, kiểm soát lãnh thổ gấp 2,5 lần đế quốc La Mã.
Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Human Genetics năm 2003 cho rằng, khoảng 1/200 đàn ông trên thế giới có thể là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn.
Thành Cát Tư Hãn qua đời như thế nào cho đến nay vẫn là một trong những điều bí ẩn lớn nhất về ông.
Gia đình và binh sĩ trung thành với Thành Cát Tư Hãn được lệnh giữ kín nguyên nhân cái chết của ông bởi đó là giai đoạn quan trọng trong cuộc chiến kéo dài hơn 20 năm với triều đại Tây Hạ trong lịch sử Trung Quốc.
Để tưởng nhớ và khơi gợi ký ức về Thành Cát Tư hãn, các đồng minh và cả kẻ thù đều kể những câu chuyện khác nhau về cái chết của ông, theo các nhà nghiên cứu.
Các giả thuyết được lan truyền rộng rãi bao gồm Thành Cát Tư Hãn chết vì mất máu sau khi bị đâm bởi công chúa của người Đảng Hạng, một bộ tộc du mục sống ở tây bắc Trung Hoa. Một giả thuyết khác cho biết ông qua đời do ngã ngựa hoặc do trúng mũi tên dẫn tới nhiễm trùng trong trận chiến quyết định với Tây Hạ. Sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, Đế quốc Mông cổ xâm chiếm hoàn toàn Tây Hạ.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học cho rằng các giả thuyết trên đều không chính xác, được thêu dệt sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời.
Francesco Galassi, bác sĩ kiêm chuyên gia nghiên cứu bệnh cổ đại tại Đại học Flinders ở Adelaide, Úc, tập trung tìm hiểu về tác động của dịch bệnh ở thời điểm Thành Cát Tư Hãn qua đời, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm.
“Thành Cát Tư Hãn qua đời ở đỉnh cao quyền lực, được những người dưới quyền tôn thờ, vậy nên giả thuyết ông bị ám sát hay bị đầu độc là rất khó có thể xảy ra”, đồng tác giả nghiên cứu, Wenpeng You, đến từ Đại học Adelaide, nói.
Nhóm nghiên cứu tập trung vào Nguyên sử, tài liệu kể lại về nhà Nguyên trong lịch sử Trung Hoa, được biên soạn dưới thời nhà Minh.
Theo cuốn sử này, từ ngày 18 - 25.8.1227, trong trận chiến cuối cùng với Tây Hạ, Thành Cát Tư Hãn cảm thấy không khỏe. Thành Cát Tư Hãn bị sốt cao rồi qua đời sau 8 ngày.
Các nghiên cứu trước đây cho rằng Thành Cát Tư Hãn bị nhiễm thương hàn, nhưng ông Galassi và các cộng sự nhấn mạnh việc không tìm thấy bằng chứng Thành Cát Tư Hãn bộc lộ các triệu chứng của bệnh thương hàn như đau bụng, nôn mửa.
Các nhà khoa học không chỉ xem xét biểu hiện lâm sàng của Thành Cát Tư Hãn mà còn sử dụng thông tin về dịch bệnh mà quân Mông Cổ và kẻ thù mắc phải ở thời điểm đó.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy những triệu chứng của Thành Cát Tư Hãn trùng khớp với bệnh dịch hạch lây lan ở thời kỳ đó, theo chuyên gia Maciej Henneberg, nhà khảo cổ và bệnh học cổ đại ở Đại học Adelaide, Úc.
Các nhà nghiên cứu thừa nhận không thể dám chắc 100% rằng Thành Cát Tư Hãn chết vì bệnh dịch hạch, do thi hài Thành Cát Tư Hãn được chôn cất ở đâu đến nay vẫn là bí ẩn.
“Chúng tôi có thể nói giả thuyết lâm sàng này có tính thực tế hơn nhiều và đáng cân nhắc hơn bất kỳ giả thuyết nào khác", ông Galassi nói.
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh, những người dù quyền lực đến mấy, sống ở thời đại nào, cũng luôn đứng trước rủi ro vì những bệnh truyền nhiễm. “Thành Cát Tư Hãn là trường hợp điển hình của việc bệnh dịch đã làm thay đổi lịch sử thế giới như thế nào”, Elena Varotto, đồng tác giả nghiên cứu, nói.
Theo Đăng Nguyễn (Dân Việt)