Ngày 24/8, các nhà thiên văn quốc tế xác nhận họ đã phát hiện ra một hành tinh di chuyển xung quanh Proxima Centauri, ngôi sao gần trái đất nhất trong dải Ngân hà.
Các ngoại hành tinh thể rắn khác từng được phát hiện thường cách rất xa hệ mặt trời. Ví dụ, một số hành tinh xoay quanh sao lùn đỏ Trappist-1 cách trái đất tới 40 năm ánh sáng. Mà khoảng cách này trước đây còn được đánh giá là “gần”.
Hình minh họa quang cảnh trên hành tinh Proxima b Ảnh: CNN |
“Đây có lẽ là ngoại hành tinh gần hệ mặt trời nhất từng được phát hiện, bởi không có ngôi sao nào ở gần chúng ta hơn Proxima Centauri”, CNN dẫn lời nhà nghiên cứu Pedro Amado khẳng định.
Quỹ đạo của Proxima b tính từ sao chủ chỉ bằng 5% khoảng cách giữa trái đất với mặt trời. Tuy nhiên Proxima Centauri là một ngôi sao lùn đỏ (sao nhỏ, nhiệt độ thấp hơn nhiều so với mặt trời), nên Proxima b vẫn nằm trong “vùng ở được”, nghĩa là nước có thể tồn tại ở dạng lỏng trên bề mặt hành tinh này.
Các nhà thiên văn nhận định nếu Proxima b có một bầu khí quyển thì nhiệt độ bề mặt của nó có thể gần tương đương với trái đất. Do khoảng cách tương đối gần, các nhà nghiên cứu hào hứng bày tỏ hi vọng có thể sẽ đưa robot tới thám hiểm hành tinh này trong tương lai.
“Tin tốt là nó ở rất gần. Đây là giấc mơ thành hiện thực đối với các nhà thiên văn học”, nhà nghiên cứu Ansgar Reiners nhấn mạnh. Tuy nhiên, loài người chỉ có thể thực hiện được mục tiêu đó trong những thế kỷ tới, khi công nghệ đã phát triển tột bậc.
Bởi tàu New Horizons của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phải mất gần 10 năm mới có thể vượt qua quãng đường 4,8 tỷ km để tới Diêm vương tinh. Proxima b cách trái đất tới 40 nghìn tỷ km, do đó khoảng thời gian để bay tới hành tinh này với công nghệ hiện nay sẽ dài hơn tới 8.000 lần.
Theo Sơn Hà (Zing.vn)