Phát hiện gây sốc: Gần 1/3 trẻ em thế giới nhiễm độc chì

31/07/2020 13:44:46

Trẻ em ở những nước phát triển cũng có nguy cơ phơi nhiễm chì từ các nguồn bao gồm ống nước cũ, sơn chì và đất bị ô nhiễm.

Theo Reuters, nghiên cứu mới nhất thực hiện bởi Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và tổ chức phi lợi nhuận về môi trường Pure Earth cho hay gần 1/3 trẻ em trên toàn thế giới, tương đương 800 triệu người, có lượng chì trong máu rất cao.

UNICEF cho biết mức độ này đủ lớn để làm suy yếu sự phát triển của não bộ, hệ thần kinh và các cơ quan quan trọng như tim, phổi.

Gần 50% số trẻ này sống tại khu vực Nam Á. Nghiên cứu "kết luận chắc chắn trẻ em trên khắp thế giới đang bị nhiễm độc chì trên diện rộng và chưa từng được thừa nhận trước đây”.

Ông Nicholas Rees, chuyên gia chính sách tại UNICEF và là tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Con số này hoàn toàn gây sốc. Từ lâu, chúng tôi đã biết về chất độc chì, nhưng không rõ nó lan rộng như thế nào và có bao nhiêu trẻ em bị ảnh hưởng".

Phát hiện gây sốc: Gần 1/3 trẻ em thế giới nhiễm độc chì
Trẻ em ở các nước kém phát triển phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm chì từ các ống nước không đảm bảo.

Trao đổi với báo chí, ông Richard Fuller, Chủ tịch của Pure Earth, mọi người ít biết về thiệt hại do chì gây ra. "Nồng độ chì ở mức 5 mg/dl có khả năng quét sạch khoảng 3-5 điểm IQ của trẻ và làm tăng gấp đôi hành vi bạo lực ở con người".

Báo cáo của UNICEF và Pure Earth lưu ý chì là một loại độc tố mạnh có thể gây tổn hại não bộ của trẻ, đặc biệt có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ ở trẻ sơ sinh cũng như trẻ dưới 5 tuổi do não bộ của trẻ chưa phát triển đầy đủ. Việc tiếp xúc với nồng độ chì thấp cũng có thể gây sinh non ở phụ nữ mang thai.

Theo nghiên cứu, các loại pin axit chì có thể là “thủ phạm chính”, với gần 85% lượng chì được sử dụng trên thế giới là để sản xuất các loại pin này trang bị cho các phương tiện giao thông, thiết bị điện và viễn thông. Hơn 95% lượng chì trong pin được tái chế tại Mỹ và châu Âu, trong khi các nền kinh tế đang phát triển thiếu những cơ sở hạ tầng để tái chế, tái sử dụng kim loại nặng này.

Với kết quả nghiên cứu trên, UNICEF và Pure Earth khuyến nghị chính phủ các nước có thể giải quyết vấn đề ô nhiễm chì và tình trạng trẻ phơi nhiễm chì bằng cách phối hợp các biện pháp như kiểm soát và phòng ngừa nguy cơ phơi nhiễm; xây dựng năng lực xét nghiệm hàm lượng chì trong máu; tăng cường hệ thống y tế nhằm phát hiện, theo dõi và điều trị cho trẻ phơi nhiễm chì.

Tờ The Guardian cho hay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo chì là chất độc thần kinh mạnh, phơi nhiễm cao và không có mức độ an toàn khi tiếp xúc. Ở mức độ cao, chì có thể gây chết người. Trong khi ở nồng độ rất thấp, hợp chất này vẫn gây nguy hiểm cho sức khỏe. Nó dẫn đến các triệu chứng như đau, nôn mửa, co giật đến chậm phát triển, rối loạn tinh thần. Tiếp xúc với nồng độ chì thấp cũng có thể gây sinh non ở phụ nữ mang thai.

Theo Trang Dung (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật