Tạp chí này cho biết, qua nghiên cứu hồ sơ về học lực của 142 quan chức lãnh đạo cấp tỉnh, bộ trở lên bị ngã ngựa từ Đại hội 18 (2012) tới nay thì phát hiện ra vấn đề "4 nhiều" trong chuyện học lực của các quan tham là học cấp tốc nhiều, ngoài lĩnh vực phụ trách nhiều, trường danh tiếng nhiều và đáng nghi ngờ nhiều.
Nhiều quan chức cao cấp được khoác thêm các hàm, chức như Viện trưởng, Giáo sư, Tiến sĩ, Kỹ sư cao cấp, thậm chí hướng dẫn nghiên cứu sinh Tiến sỹ… Số liệu được công bố qua điều tra cho thấy, trong số 48 quan chức có học vị Tiến sĩ thì có 26 người ngoài lĩnh vực phụ trách, chiếm 54%. Trong 66 thạc sĩ có 33 người ngoài lĩnh vực phụ trách, chiếm 50%.
Một số trường hợp quan tham "có vấn đề" về học lực được bài báo điểm danh như sau: Vũ Trường Thuận, Giám đốc công an, Phó chủ tịch Chính Hiệp thành phố Thiên Tân công tác hơn 40 năm, chưa bao giờ rời khỏi ngành, nhưng có các bằng Thạc sĩ quản lý công thương, Tiến sĩ Công nghiệp và Kỹ sư cao cấp, trong đó bằng Tiến sĩ lại là loại có tính chuyên ngành cao là Lý thuyết và thiết kế cơ khí (!).
Phó tỉnh trưởng Vân Nam Thẩm Bồi Bình vốn học ngành ngôn ngữ, sau khi vào trường đảng học hàm thụ ở lớp nghiên cứu sinh tại chức, năm 2007 Bình đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Địa lý tự nhiên tại một trường đại học danh tiếng ở Bắc Kinh. Năm tháng sau, ông ta được phong làm Giáo sư kiêm chức của Học viện tài nguyên trực thuộc trường đại học này.
Nhiều quan tham đã ngã ngựa học vấn cơ sở rất kém, thậm chí không có học lực cơ sở, nhưng họ chỉ trong thời gian rất ngắn đã có được bằng cấp như ý muốn. Điển hình là Chu Bản Thuận, Ủy viên trung ương, Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc không chỉ có 1 mà tới 2 bằng Tiến sĩ chuyên ngành Quản lý công thương và Luật; trong đó chỉ mất một năm để lấy được bằng Tiến sỹ Luật của Đại học Vũ Hán.
Lý Tương Kỳ, Phó tỉnh trưởng Sơn Đông tháng 1/2005 sau khi tốt nghiệp lấy được bằng Cử nhân Quản lý công thương theo chương trình đào tạo từ xa của một trường đại học danh tiếng, sau 5 tháng nữa lại giành được bằng Thạc sĩ quản lý công thương tại khoa Thương mại quốc tế của nhà trường này.
Các quan tham ngã ngựa cũng thường có nhiều bằng cấp thể hiện khả năng vừa học vừa làm siêu việt. Phùng Tân Trụ, nguyên Phó tỉnh trưởng Thiểm Tây, theo hồ sơ thì trong thời gian giữ chức Thị trưởng Đồng Xuyên đã tham gia cùng lúc 2 lớp nghiên cứu sinh tại chức của trường đảng và nghiên cứu sinh Thạc sĩ quản lý công thương của Đại học Tây An; thời gian học trùng nhau tới 2 năm.
Một quan tham khác là Quý Kiến Nghiệp, Phó bí thư, Thị trưởng Nam Kinh từ chỗ chưa học hết phổ thông đã có bằng Tiến sĩ cũng theo kiểu "vừa học vừa công tác": năm 17 tuổi vào học bổ túc cho cán bộ trẻ ở trường đảng Tô Châu, có được tấm bằng trung học. Nghiệp từ 1983 – 1985 khi là Phó ban Tuyên truyền thị ủy Tô Châu thì ghi danh học chuyên tu Đại học Tô Châu; 1996 – 1998 học chuyên tu nghiên cứu sinh quản lý hành chính Đại học Tô Châu, đồng thời theo học khóa quản lý kinh tế của Đại học Maryland, Mỹ mở ở Tô Châu khi đang là Phó bí thư, Phó thị trưởng Côn Sơn; 1999 – 2002 học, thi lấy bằng Thạc sĩ Luật khi đang là Phó bí thư, Thị trưởng Dương Châu; sau đó lấy bằng Tiến sĩ Luật để thăng tiến tiếp…
Vương Tố Nghị, nguyên Trưởng ban Mặt trận khu ủy Nội Mông trong thời gian giữ chức tại các thành phố Huvhot và Basanzhar đã cùng lúc theo học hai lớp, hai chuyên ngành pháp luật và quản lý công thương, thời gian học trùng nhau tới hơn 1 năm.
Trước Đại hội 18, quan chức đua nhau dùng tiền công, bằng mọi cách để có được các bằng cấp, học vị; nhưng sau Đại hội 18 thì do bị cấm nên họ quay sang chiêu dùng tiền để thuê người học.
Ông Hùng Bính Kỳ, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục Thế kỷ 21 nói: "Rất nhiều quan chức nắm quyền phân phối tài nguyên, một số học viện nhà trường lại sẵn lòng dùng tài nguyên giáo dục ra đánh đổi, vui vẻ đón nhận quan chức đến lấy bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ…".
Quan chức cần bằng cấp để thuận lợi cho việc thăng tiến, các nhà trường có học viên là quan chức thì giải quyết việc gì cũng dễ. Các công ty xí nghiệp thì thông qua "sàn" này để kết giao quan chức. Từ đó hình thành nhóm lợi ích "quyền học đồng mưu".
Tờ Đông Phương nhận xét: trên thực tế, tình trạng này rất phổ biến trên quan trường. Rất nhiều bộ trưởng, tỉnh trưởng, bí thư học lực cao vòi vọi, có cả mớ bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ, có vị còn là hướng dẫn Tiến sĩ. Những người này đừng nói đến chuyện viết luận văn học thuật, đến đi nghe giảng cũng nhờ thư ký đi thay; rất nhiều người quan tước và học vị đàng hoàng, quyền lực và học thuật đủ cả, nhưng chẳng có chút thực chất nào.
Sở dĩ có tình trạng đó là bởi trong việc sử dụng cán bộ, chữ "chuyên" được coi trọng, nhưng khi xem xét vấn đề này người ta thường xem ai có học lực cao, vì thế quan chức đua nhau chạy đua tìm kiếm học vị, không có bằng Tiến sĩ quyết không chịu.
Khi cơ quan nhân sự xem xét thì ai nấy bằng cấp đầy đủ, hồ sơ đẹp đẽ, nhưng thực chất thì đều là những "bao cỏ" mà thôi.
Ngô Tuyết (VietNamNet)