Phát hiện 'cô dâu ma' 5 tuổi trong mộ cổ: Hiện trường ớn lạnh tiết lộ bí mật hoàng gia bị che giấu nghìn năm!

07/10/2021 20:50:35

Sự xa hoa của ngôi mộ 1300 năm tuổi chôn 3 đứa trẻ thực chất lại ẩn chứa bí mật kinh hoàng.

Dinh thự cũ Vương Chi, nơi sinh sống của nhà thư pháp nổi tiếng "thánh thư" Vương Hy Chi (303 - 361), nay được coi là một trong những địa danh văn hóa trọng điểm của tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Tháng 4 năm 2003, trong quá trình khai thác mở rộng khu di tích này, các công nhân đã vô tình đào được một huyệt động sâu không đáy, vì vậy họ ngay lập tức báo cho các chuyên gia khảo cổ tới để khám nghiệm hiện trường.

Ngôi mộ xa hoa của 3 đứa trẻ

Dưới lớp đất, các chuyên gia khảo cổ đã tìm thấy một ngôi mộ cổ niên đại hơn 1.300 năm. Cánh cửa đá của ngôi mộ xuất hiện nhiều vết đánh dấu bằng bột thiếc màu đỏ, bên trong mộ xây bằng đất nung, chia làm hai buồng trái và phải.

Nền của ngôi mộ không bằng phẳng mà chênh vênh đến kỳ lạ, nền đất ở giữa lồi lên như mai rùa, hai bên đổ xuống như vòng cung. Quan tài và đồ tùy táng được đặt trên chỗ cao nhất để đề phòng nước ngập vào phía trong.

Ngoài ra, ngôi mộ còn toát lên vẻ sang trọng từ gần 300 di vật văn hóa, hầu hết là những món đồ được làm từ vàng, đồng, ngọc bích và sơn mài. Với hình thức lăng mộ xa hoa như vậy, chủ nhân của lăng mộ ắt hẳn là một thành viên quan trọng trong hoàng tộc.

Tiến hành khai thác sâu hơn, các chuyên gia một lần nữa bị choáng váng bởi bên trong không phải là chiếc quan tài khổng lồ như dự tính mà là ba cỗ quan tài rất nhỏ. Xương bên trong dù hơi lộn xộn, nhưng vẫn có thể nhìn thấy vóc dáng mảnh khảnh và thấp bé của chủ nhân.

Chiếc quan tài to nhất cũng là quan tài chứa nhiều đồ tang lễ có giá trị nhất, được phỏng đoán là của một đứa trẻ 5 tuổi, do đang trong giai đoạn thay răng, những chiếc răng vĩnh viễn chưa mọc hoàn toàn. Hai quan tài bằng gỗ nhỏ là của hai đứa trẻ đều chưa quá 2 tuổi.

Nạn nhân của tập tục mê tín dị đoan:

Cuốn sử Thái Bình ngự lãm (biên soạn năm 977 - 983) có ghi, việc sử dụng thiếc đỏ phủ lên mặt lăng hoặc quan tài như ngôi mộ này là sự phô trương mà chỉ đế vương mới được thực hiện. Tuy nhiên, đây là đất tổ nhà họ Vương, một gia tộc danh giá nhưng không hề có hoàng đế, vì vậy điều này vô cùng bất thường.

Ngoài ra, các bằng chứng trong mộ đều cho thấy 3 đứa trẻ này đã được chôn cùng một lúc, vậy vì lý do gì mà chúng lại qua đời cùng một khoảng thời gian và được mai táng xa hoa tới khó tin như vậy. Trong khi thời kỳ này những đứa trẻ không may qua đời thường chỉ được mai táng trong bình gốm rồi chôn cất trong vườn nhà.

Phát hiện 'cô dâu ma' 5 tuổi trong mộ cổ: Hiện trường ớn lạnh tiết lộ bí mật hoàng gia bị che giấu nghìn năm!
Hiếm có ngôi mộ trẻ em nào xa hoa như ngôi mộ được tìm thấy lần này (Ảnh: Sohu)

Cuối cùng, xét theo cách bố trí của hai buồng chôn cất thì rõ ràng đây là một ngôi mộ hợp táng hai buồng dành cho vợ chồng. Tuy nhiên, ngôi mộ này có tới 3 người, và cả 3 đều là trẻ em, điều này đã khiến các chuyên gia đặt ra giả thuyết: Liệu rằng ba đứa trẻ ngôi mộ có phải nạn nhân của tục âm hôn?

Hé lộ bí mật

Theo cuốn Tấn Thư, năm 317, Tư Mã Duệ (276 - 323), người sáng lập ra triều đại Đông Tấn, sau khi lên ngôi đã truyền tước Lang Gia vương cho con trai cả. Tuy nhiên, hoàng tử đoản mệnh không may thay đã qua đời cùng năm, khi chưa đầy 18 tuổi.

Lúc này, chỉ có cháu trai Tư Mã An Quốc đủ tư cách thừa kế, tiếc rằng vị Lang Gia vương này vừa chào đời chưa bao lâu đã chết vì bạo bệnh. Theo phép triều đương thời, các hoàng tử được phong tước, sau khi qua đời phải được chôn cất tại thái ấp, vì vậy thái ấp Lang Gia được chọn làm nơi an nghỉ cuối cùng của Tư Mã An Quốc, không phải kinh đô Nam Kinh thời bấy giờ.

Không lâu sau, con trai thứ hai của hoàng đế là Tư Mã Huân cũng đổ bệnh. Để tăng vận khí cho con trai, ông phong tước Lang Gia vương cho vị hoàng tử này. Đáng buồn thay, vào ngày nhận tước chính thức, bệnh tình của Tư Mã Huân bỗng trở nặng và qua đời khi chưa đầy hai tuổi.

Vậy là hai đứa trẻ đáng ra phải là Lang Gia vương lại nối tiếp nhau qua đời khi chỉ 2-3 tuổi. Các chuyên gia nhận định, hai đứa trẻ trong lăng mộ rất phù hợp với độ tuổi của Tư Mã Huân và Tư Mã An Quốc, hơn nữa, thời gian qua đời của chúng cũng chỉ cách nhau vài tháng.

Phát hiện 'cô dâu ma' 5 tuổi trong mộ cổ: Hiện trường ớn lạnh tiết lộ bí mật hoàng gia bị che giấu nghìn năm! - 1
Âm hôn là một trong những hủ tục ghê rợn thời Trung Quốc cổ đại (Ảnh minh họa: Afamily)

Ngược về quá khứ, khi cùng lúc mất đi cháu trai và hai người con trai, Tư Mã Duệ dự định dành tới 1 năm tài chính của Lang Gia để xây dựng nghĩa trang cho hoàng tử, đồng thời còn tổ chức âm hôn cho cậu con trai. Song việc này bị các quan đại thần chỉ trích kịch liệt, trước sức ép đó, ông buộc phải chôn cất cháu trai và con trai trong cùng một phần mộ.

Hủ tục âm hôn có lịch sử lâu đời, tồn tại sớm nhất vào khoảng hơn 3.000 năm trước, dưới thời nhà Chu. Âm hôn là sự kết duyên giữa hai người đã mất, hoặc một người sống một người chết. Phong tục ghê rợn này từ lâu đã bị nghiêm cấm, nhưng vẫn âm ỉ lưu truyền trong dân gian.

Vào thời Đông Tấn (220 - 280) bây giờ, gia tộc có đủ tiêu chuẩn để gả cho con trai hoàng đế chỉ có Vương tộc danh giá. Vì vậy, một cô bé 5 tuổi được chôn cất cùng nhiều đồ tùy táng và trang sức vàng quý giá được cho là cô dâu của đám cưới ma này.

Tuy nhiên, việc ai trong số hai thi thể kia là con trai của hoàng đế, và việc cô gái này được gả đi khi còn sống hay sau khi đã qua đời vẫn là một bí ẩn mà các chuyên gia chưa tìm được lời giải.

Theo Mai Thuỷ (Pháp Luật & Bạn Đọc)