Theo Tân Hoa Xã, các mảnh xương hóa thạch bao gồm một hộp sọ lớn đã bị nứt gãy, xương hàm dưới kèm theo một số răng còn sót lại, xương sườn và đốt sống. Chúng có niên đại 43 triệu năm, thuộc về một loài cá voi lưỡng cư 4 chân cổ đại, được khai quật từ những tảng đá ở khu vực Fayum Depression, sa mạc phía tây của Ai Cập.
Theo các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Cổ sinh vật có xương sống thuộc đại học Mansoura (MUVP), Ai Cập, phát hiện này là một bước nhảy vọt về mặt khoa học của ngành cổ sinh vật học và động vật học, mảnh ghép cho bức tranh về quá trình chuyển đổi của tổ tiên loài cá voi từ đất liền sang biển.
Giáo sư cổ sinh vật có xương sống Hesham Sallam tại đại học Mỹ ở Cairo, người sáng lập MUVP, cho biết: "Đây là một chi và loài mới vì các đặc điểm giải phẫu cho thấy nó hoàn toàn khác với bất kỳ loài nào con người từng biết đến trước đây''.
Sinh vật mới được đặt tên là Phiomicetus anubis. Trong đó "Anubis" ám chỉ thần Anubis, vị thần đầu chó của Ai Cập cổ đại có liên quan đến quá trình ướp xác và thế giới bên kia. Cái tên này xuất phát từ sự tương đồng giữa hộp sọ của mẫu hóa thạch cá voi với chó rừng.
Loài mới được phát hiện là một phần của nhóm cá voi sống bán thủy sinh, được gọi là Protocetids, tồn tại từ 56 triệu đến 33,9 triệu năm trước. Nhóm này sống ở giữa giai đoạn chuyển đổi của cá voi từ lưỡng cư sang sống hoàn toàn dưới nước. Ước tính Phiomectus anubis dài 3m, nặng 589kg.
Các nhà nghiên cứu cho biết có lẽ điều đáng sợ nhất về loài cá voi này là "bản năng săn mồi". "Chúng sở hữu một bộ hàm cực kỳ mạnh mẽ, có khả năng xé xác hàng loạt con mồi. Có thể nói, con cá voi này là thần chết đối với hầu hết các loài động vật sống trong khu vực", Abdullah Gohar, tác giả chính của nghiên cứu, cho hay.
Cá voi từng là "động vật có vú trên cạn ăn cỏ, giống hươu", tuy nhiên trong khoảng thời gian 10 triệu năm, chúng đã dần biến thành những sinh vật đại dương ăn thịt, các nhà khoa học cho biết thêm.
Minh Hoa (Nguoiduatin.vn)