Bệnh nhân nam giới 28 tuổi được mô tả trong tình trạng nguy kịch tính mạng tại một bệnh viện ở Abu Dhabi, sau khi nhiễm MERS. WHO thông báo tổ chức này sẽ giám sát tình hình trong khu vực.
MERS có liên quan với Covid-19 vì cùng thuộc họ virus corona, tuy vậy không phải là biến chủng của virus gây ra đại dịch toàn cầu này. Theo The Mirror, MERS được phát hiện hồi năm 2012 và được cho là có nguồn gốc động vật. Virus này thường lây truyền sau khi con người có tiếp xúc với lạc đà.
Virus ở thời điểm đó được xác định là mầm bệnh được ưu tiên theo dõi, do có khả năng gây bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Tuy vậy, giới chuyên gia đánh giá virus này lây nhiễm kém hơn Covid-19.
Các triệu chứng bệnh bao gồm sốt, ho, khó thở, ớn lạnh, đau toàn thần, đau họng, đau đầu, tiêu chảy, buồn nôn và nôn, sổ mũi.
Theo WHO, ca nhiễm MERS mới nhất là một người không có quốc tịch UAE sống tại thành phố Al Ain, đã từng tới một phòng khám tư nhiều lần từ 03-07/06. Anh này mô tả các triệu chứng nôn, đau sườn phải và đau khi tiểu tiện.
Hôm 08/06, anh nhập viện trong tình trạng nôn mửa và có các triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy. Ban đầu, anh được chẩn đoán viêm tụy cấp, tổn thương thận cấp và nhiễm trùng. Bệnh nhân chuyển nặng và nguy kịch trong ngày 13/06, được đưa tới đơn vị chăm sóc tích cực và thở máy. Hôm 23/06, anh xét nghiệm dương tính với MERS.
WHO cho biết bệnh nhân "không có tiền sử tiếp xúc trực tiếp với động vật", bao gồm lạc đà, và không ăn thịt sống. Anh không có bệnh nền, không tiếp xúc với các ca nhiễm MERS và gần đây không rời khỏi UAE.
108 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân được xác định và giám sát trong 14 ngày, nhưng giới chức chưa ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh nào. Ca nhiễm MERS gần đây nhất ở UAE trước bệnh nhân 28 tuổi được ghi nhận hồi tháng 11/2021.
Đan Anh (SHTT)