Theo Sci-News, các cuộc khảo sát dựa trên vận tốc xuyên tâm và sự quá cảnh hành tinh đã tìm ra hơn 5.000 ngoại hành tinh, trong đó có những cái giống Trái Đất và ở rất xa xôi.
Thế nhưng, ở một thế giới cách chúng ta chỉ 16 năm ánh sáng - xung quanh ngôi sao lùn đỏ ánh sáng yếu Gliese 1002 thuộc chòm sao Kình Ngư - là một không gian khá tối nên các biện pháp nói trên kém hiệu quả.
Trong cuộc khảo sát mới dẫn đầu bởi Tiến sĩ Alejandro Suárez Mascareño từ Viện Vật lý thiên văn Canarias (IAC - Tây Ban Nha), hai thiết bị tối tân là máy quang phổ ESPRESSO và CARMENES, lần lượt đặt tại hai đài thiên văn Canarias và Calar Alto của Tây Ban Nha đã nỗ lực khai phá vùng tối quanh ngôi sao lùn đỏ ấy.
Họ tập trung vào khu vực gần ngôi sao, bởi sao lùn đỏ là loại sao mát hơn Mặt Trời rất nhiều, nên vùng sự sống Goldilocks cũng được kéo gần lại về phía sao mẹ.
Kết quả hết sức bất ngờ: Họ tìm được không chỉ một mà là 2 hành tinh, lần lượt được đặt lên là Gliese 1002b và Gliese 1002c, nằm bình yên trong vùng sự sống này.
Không chỉ vậy, đó là những hành tinh cùng loại với Trái Đất, kích thước chỉ xê xích một chút, nặng hơn địa cầu lần lượt 1,08 và 1,36 lần.
Đối chiếu các dữ liệu khác, các nhà khoa học chỉ ra rằng khí hậu trên các hành tinh này là khí hậu ôn đới, tức hoàn toàn có thể ở được và có khả năng sự sống tồn tại trên đó!
Cũng có một lý thuyết phản bác lại khả năng sinh sống của các hành tinh này đó là sao lùn đỏ thường có bức xạ cao, sẽ gây khó khăn cho sinh vật. Tuy nhiên cũng có nhiều bằng chứng chỉ ra các dạng sống chịu được bức xạ hoặc trốn tránh bức xạ - ví dụ sống trong các túi nước ngầm hay dưới lòng đất, như nhiều sinh vật cực đoan của Trái Đất.
Các nhà thiên văn hy vọng vào một số thiết bị đang được chế tạo cho tương lai như máy quang phổ ANDES hay sứ mệnh LIFE mà các nhà khoa học châu Âu đang nỗ lực cho ngày ra mắt.