Pháp tuyên bố hoàn tất chiến dịch dọn dẹp "Rừng Calais"

27/10/2016 08:42:00

Nhà chức trách Pháp ngày 26-10 tuyên bố, chiến dịch xóa sổ trại tị nạn tạm bợ tai tiếng Calais ở nước này đã kết thúc dù gặp phải một vài sự chống đối không đáng kể.

Nhà chức trách Pháp ngày 26-10 tuyên bố, chiến dịch xóa sổ trại tị nạn tạm bợ tai tiếng Calais ở nước này đã kết thúc dù gặp phải một vài sự chống đối không đáng kể.

Cảnh tan hoang tại trại tị nạn tạm bợ tai tiếng Calais sau chiến dịch dọn dẹp mạnh tay của chính quyền Pháp. Ảnh: Reuters

Fabienne Buccio, người đứng đầu lực lượng cảnh sát ở Calais xác nhận với Reuters: “Đây là sự chấm hết cho khu trại tai tiếng này. Chiến dịch dọn dẹp đã hoàn tất”.

Đã có một số vụ chống đối lực lượng cảnh sát ở Calais nhưng sau đó đều được giải quyết êm gọn.

Bộ Nội vụ Pháp trong một tuyên bố sau đó cho biết, tổng cộng đã có 5.596 người lớn và trẻ em đã đăng ký với chính quyền và được đưa khỏi Calais.

Con số này bao gồm 235 trẻ vị thành niên được chính quyền Anh tiếp nhận kể từ đầu tuần trước theo đạo luật Dublin và luật Dubs của nước Anh cho phép tiếp nhận những trẻ không có người đi cùng và dễ bị tổn thương.

Những người còn lại sẽ được phân bổ ra 450 trung tâm tiếp nhận tị nạn trên khắp nước Pháp.

Vẫn còn khoảng 1.000 người tị nạn còn sót lại ở Calais. Những người này sẽ tiếp tục đăng ký với chính quyền Pháp và sẽ sớm được chuyển đi nơi khác, ông Buccio cho biết thêm.

Phát biểu trước báo giới, Thị trưởng Calais Natacha Bouchart nhấn mạnh: “Cần phải hết sức thận trọng và chắc chắn rằng sau khi dọn dẹp, khu trại này sẽ không còn tái xuất hiện một lần nào nữa”

Những “cư dân” của “Rừng Calais” là dân nhập cư và tị nạn đến từ các nước nghèo ở Trung Đông, châu Phi và một số nước châu Á. Họ tập trung tại cảng Calais gần đường hầm vượt biển Manche nối Anh và Pháp và nuôi hi vọng có thể đặt chân lên đất Anh, có được một tương lai tốt hơn.

Để làm được điều đó, họ thường trốn trong các xe tải đi từ Pháp sang Anh nhưng đều bị phát hiện. Trong khi đó, sự tồn tại của “Rừng Calais” khiến người dân địa phương bất an và khó chịu trước sự nhếch nhác, phức tạp của nó.

Theo Duy Linh (Tuổi Trẻ)