Bộ trưởng quốc phòng của Pháp và Ukraine sẽ có một cuộc điện đàm trong tuần này để bàn chuyện huấn luyện, Politico đưa tin.
Trong cuộc trả lời báo Pháp Le Figaro cuối tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov kêu gọi Paris giúp huấn luyện phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu của Pháp.
“Tôi đã nghe nhiều chuyên gia đánh giá cao máy bay và phi công Pháp. Tôi sẽ rất hạnh phúc nếu các phi công Ukraine được huấn luyện điều khiển máy bay Pháp và sử dụng kỹ năng này để giành được chiến thắng”, ông Reznikov nói.
Sau khi được Mỹ và Đức hứa gửi máy bay Leopard 2 và Abrams, Ukraine tiếp tục kêu gọi phương Tây cung cấp tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu, đặc biệt là tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất, khi cả Nga và Ukraine đều đang chuẩn bị cho một chiến dịch lớn trong mùa Xuân. Những phương tiện đó được nêu trong danh sách nguyện vọng của Ukraine từ lâu, nhưng vẫn chưa được phương Tây chấp thuận.
Trong những ngày gần đây, một số quan chức châu Âu và Mỹ phát biểu rằng cánh cửa cho việc đưa máy bay chiến đấu đến Ukraine không còn đóng nữa. Trong tháng 1 này, Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra cho biết Amsterdam sẽ xem xét đề nghị cung cấp F-16 với “tư tưởng cởi mở”, đồng thời khẳng định không có “điều cấm kỵ” nào trong hỗ trợ quân sự.
F-16 là dòng máy bay chiến đấu siêu thanh thế hệ 4, trở thành mặt hàng xuất khẩu rất thành công của Mỹ trong những năm gần đây. Vì thế, có khả năng nhiều quốc gia sẽ cùng tham gia cung cấp F-16 cho Ukraine, giống như việc Đức và Mỹ cùng quyết định gửi xe tăng cho Kiev.
Tuy nhiên, vấn đề chủ chốt hiện nay là Mỹ và Đức đều khẳng định sẽ không cung cấp tiêm kích như kiến nghị của Ukraine.
Tuần trước, ông Thomas Gassilloud - chủ nhiệm uỷ ban quốc phòng thuộc Quốc hội Pháp – nói với báo Anh The Telegraph rằng “mọi cánh cửa đều mở” để bàn bạc việc gửi máy bay chiến đấu cho Kiev.
Ông Gassilloud nói rằng phương Tây nên “có cách tiếp cận rất cởi mở đối với đề xuất của Ukraine”, nhưng ông muốn thấy bằng chứng cho thấy máy bay chiến đấu sẽ hữu ích trên chiến trường.
“Hiện không bên nào giành được ưu thế vượt trội trên không vì tình trạng sử dụng tên lửa đất đối không ồ ạt. Cả máy bay của Nga và Ukraine đều không thể kiểm soát bầu trời. Vì thế, các máy bay chiến đấu sẽ không thể hoạt động tự do nếu chúng tôi gửi chúng đến những vùng trời tranh giành”, ông Gassilloud nói với Politico.
Ông Gassilloud cũng nói rằng quyết định huấn luyện cho phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu của Pháp sẽ chỉ có ý nghĩa nếu Chính phủ Pháp đồng ý cung cấp máy bay chiến đấu cho Kiev.
Gần đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo rằng Không quân Pháp sẽ chuyển sang sử dụng hoàn toàn máy bay chiến đấu Rafale. Theo nhiều người nắm được tình hình, điều này nghĩa là Pháp sẽ thừa ra những máy bay chiến đấu cũ hơn, như Mirages 2000, từ đó có thể cung cấp cho Ukraine.
Ngày 30/1, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết họ vẫn chưa nhận được đề nghị chính thức từ Kiev về việc cung cấp máy bay chiến đấu.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)