Cơ quan công tố Pháp hôm 26/08 cho biết Durov bị bắt vì liên quan tới cuộc điều tra được mở hồi tháng trước nhắm vào các hoạt động phi pháp trên nền tảng Telegram, cũng như "thái độ thiếu hợp tác" với lực lượng thực thi pháp luật.
Durov, 39 tuổi, bị bắt tại Sân bay Le Bourget gần Paris, sau khi hạ cánh trên chuyên cơ từ Azerbaijan. Ông này chưa bị truy tố nhưng vẫn sẽ bị tạm giữ, có thể tới 28/08, theo cơ quan công tố.
Công tố viên Laure Beccuau ở Paris cho biết vụ bắt giữ Durov liên quan tới cuộc điều tra được mở hôm 08/07 "về một người chưa được nêu tên", với các cáo buộc bao gồm đồng phạm truyền bá văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, buôn bán ma túy, rửa tiền và từ chối hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật.
Bà Beccuau cho biết các chuyên gia an ninh mạng và chống lừa đảo đã tham gia điều tra. "Pavel Durov bị giới chức điều tra thẩm vấn trong quy trình điều tra đó," bà bổ sung. Hiện chưa rõ các cáo buộc mà bà Beccuau đưa ra có nhắm vào Durov hay không.
Tại Pháp, các vụ án phức tạp có thể được xử lý bởi các thẩm phán đặc biệt có quyền điều tra rộng. Họ có thể mở cuộc điều tra nhắm vào các bị cáo và truy tố khi có đủ bằng chứng. Tuy vậy, thẩm phán cũng có thể hủy truy tố nếu họ thấy bằng chứng là không đủ để đưa bị cáo ra tòa.
Vụ bắt giữ Durov trở thành tâm điểm tranh luận về tự do ngôn luận trong môi trường Internet. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 26/08 phủ nhận cáo buộc cho rằng vụ bắt giữ là một hình thức kiểm duyệt.
"Vụ bắt chủ tịch Telegram trên đất Pháp là một phần của một cuộc điều tra tư pháp. Đây không phải là quyết định chính trị. Các thẩm phán sẽ quyết định vụ việc," ông Macron viết trên nền tảng X. Phản ứng của ông Macron được cho là hiếm thấy, bởi các lãnh đạo Pháp rất ít khi bình luận về giai đoạn đầu của các cuộc điều tra hình sự.
Telegram hiện có khoảng 900 triệu người dùng. Nền tảng này được mô tả có chính sách giám sát và quản lý nội dung "lỏng lẻo", giúp người dùng dễ dàng liên lạc với nhau nhưng đồng thời cũng khiến nó trở thành nơi ẩn chứa nhiều nội dung gây hại. Ứng dụng từ lâu bị nhiều cơ quan thực thi pháp luật đưa vào tầm ngắm, với cáo buộc trở thành kênh tuyên truyền và tuyển dụng cho các tổ chức khủng bố, buôn ma túy và súng đạn.
Chính quyền nhiều nước ở châu Âu gần đây gia tăng áp lực lên các công ty công nghệ, buộc họ phải có chính sách rõ ràng để giải quyết tình trạng phát tán thông tin sai sự thật, các nội dung gây hại cho trẻ em hay nội dung cực đoan.
Hoài An (SHTT)