Các cuộc thử nghiệm pháo điện từ (bắn viên đạn đi xa 200 km, tốc độ bay hơn 7.000 km/giờ) đã diễn ra thành công, Lầu Năm Góc dự kiến triển khai loại pháo này trên tàu chiến bố trí ở các điểm nóng như Biển Đông, biển Baltic, theo Wall Street Journal ngày 27.5.
Bắn viên đạn bay xa 200 km, tốc độ hơn 7.000 km/giờ |
Hải quân Mỹ vừa công bố video clip một vụ thử nghiệm pháo bắn bằng điện từ trường (railgun), có khả năng tống viên đạn lao đi với vận tốc kinh hoàng hơn 7.000 km/giờ, bay xa đến 200 km, phá huỷ mọi thứ bằng động năng cực mạnh của đạn khi trúng đích.
Thứ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Work phụ trách phát triển vũ khí hài lòng nói rằng đây là vũ khí tương lai của Mỹ để đối phó mối đe doạ của Nga và Trung Quốc, khi vũ khí này có thể tiêu diệt từ máy bay, tên lửa đến xe tăng.
Còn các nhà hoạch định quân sự Mỹ tiết lộ pháo điện từ sẽ được Mỹ đưa đến các nước vùng Baltic để đối phó mối đe doạ từ Nga, và khu vực Biển Đông để hỗ trợ đồng minh đối phó Trung Quốc.
“Nga có khả năng tung ra các cuộc tấn công ồ ạt bằng vũ khí thông thường, và pháo điện từ sẽ giúp chúng ta chống lại các cuộc tấn công đó”, thứ trưởng Work nói.
Pháo điện từ của BAE Systems |
Pháo điện từ là loại pháo bắn viên đạn bay khỏi nòng bằng sức điện từ (hai dòng điện trái dấu tạo nên lực đẩy, tống viên đạn (không có thuốc nổ) lao đi với vận tốc cỡ 4.500 dặm/giờ (hơn 7.000 km/giờ, tức hơn 2 km/giây). Đó là loại pháo có nguyên lý bắn mới nhất do Mỹ phát minh, khác các loại pháo xưa nay bắn viên đạn đi bằng thuốc nổ.
Những thử nghiệm về pháo điện từ do tập đoàn BAE Systems (Anh - Mỹ) và General Atomics (Mỹ) thực hiện từ hơn 10 năm nay.
Còn đây là pháo điện từ của General Atomics (GA) |
Trong clip giới thiệu mới đây, khẩu pháo điện từ dài 9,75 m của BAE Systems ngốn 25 MW điện - tương đương lượng điện tiêu dùng của 18.500 hộ dân Mỹ - bắn viên đạn đặc biệt dài 0,61 m, nặng 11 kg bay xa đến 200 km với tốc độ 7.000 km/giờ, tính ra mất chưa đầy 2 phút đã lao tới mục tiêu. Tốc độ này hiện nhanh hơn tốc độ của các tên lửa đang hiện diện trên thế giới, và chỉ có các loại tên lửa bội siêu thanh đang thử nghiệm mới sánh được.
Một viên đạn của loại pháo này cho thấy uy lực của nó khi xuyên qua một lúc 7 tấm thép bố trí gần nhau, mỗi tấm bị đạn xuyên thủng tạo thành lỗ hổng rộng 13 cm.
Lầu Năm Góc cũng rất cẩn thận về việc phát triển loại siêu vũ khí này khi có thông tin cho biết tin tặc Nga và Trung Quốc đang nỗ lực thâm nhập đánh cắp bí mật quân sự này.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work (phải) xem các tấm thép bị đạn pháo điện từ xuyên thủng trong cuộc thử nghiệm hồi năm 2015 ở Dahlgren, bang Virginia - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ |
Khái niệm vũ khí mới cho tàu chiến
Đến nay Hải quân Mỹ đã chi hơn 500 triệu USD cho loại pháo điện từ đã triển khai nghiên cứu phát triển cả 10 năm nay. Lầu Năm Góc dự kiến chi tiếp 800 triệu USD nữa cho chương trình này, trong đó có việc ứng dụng loại đạn của pháo điện từ sử dụng cho các loại pháo hiện tại quân đội đang dùng.
Thời Thế chiến II, sức mạnh của hải quân là từ các khẩu pháo cỡ lớn đặt trên chiến hạm. Đến thời chiến tranh lạnh, tên lửa và máy bay phản lực thay thế pháo hạm, và nay pháo điện từ sẽ là vũ khí mới cho các tàu chiến đời mới, theo Lầu Năm Góc.
Hiện loại pháo 6 inch (152 mm) trên tàu chiến Mỹ có tầm bắn xa cỡ 24 km, loại đại pháo 16 inch (254 mm) trên các chiến hạm thời Thế chiến II bắn xa khoảng 39 km. Tất cả đều không sánh được với pháo điện từ bắn xa đến 200 km.
Sơ đồ nguyên lý hoạt động của pháo điện từ: dòng điện trái dấu tạo lực đẩy, bắn viên đạn khỏi nòng với tốc độ hơn 7.000 km/giờ (gần 2 km/giây) |
Thành phần pháo điện từ - Nguồn: Phòng nghiên cứu Hải quân Mỹ |
Pháo điện từ có thể bắn với tốc độ 10 phát/phút, cơ số đạn mang theo 1.000 viên. Để so sánh, một khu trục hạm Mỹ hiện mang khoảng 96 tên lửa gồm Tomahawk hoặc phòng không, trong khi nếu mang pháo điện từ thì có thể bắn đến hàng ngàn quả đạn, chống lại từ tàu chiến đến máy bay, tên lửa và mục tiêu trên bộ của kẻ thù với tốc độ cực nhanh và ở khoảng cách xa.
Một trong những tiến bộ của pháo điện từ là sử dụng công nghệ định vị vệ tinh GPS cho viên đạn, và đây là có công của ngành công nghiệp điện thoại di động.
Viên đạn của pháo điện từ chế tạo từ tungsten cứng gấp nhiều lần thép, và giá mỗi viên chỉ từ 25.000 - 50.000 USD so với 10 triệu USD của 1 quả tên lửa dùng đánh chặn tên lửa.
Vấn đề là pháo điện từ ngốn rất nhiều điện, nên hiện chỉ có lớp khu trục hạm tàng hình Zumwalt là có thể sử dụng. Một cách “chữa cháy” tạm thời là hải quân Mỹ dùng loại đạn của pháo điện từ trang bị cho loại pháo đang sử dụng trên các tàu chiến hiện tại. Một thử nghiệm mới đây cho thấy pháo thông thường của hải quân Mỹ bắn (bằng thuốc nổ) viên đạn của pháo điện từ bay với tốc độ cũng rất “khủng” là 2.800 dặm/giờ (4.500 km/giờ), và bắn xa đến 60 km thay vì 24 km với đạn thường.
Pháo điện từ của GA dự kiến bố trí cho cả lớp tàu tác chiến cận bờ (LCS) |
Cả việc thử loại đạn pháo điện từ cho các khẩu pháo loại 155 mm của lục quân cũng có kết quả khả quan như pháo của hải quân.
Tập đoàn Mỹ General Atomics mới đây cũng cam kết đầu tư hơn 50 triệu USD cho pháo điện từ, loại tầm trung, dùng năng lượng cỡ 10 MJ, với loại pháo có cỡ nòng khoảng 90 - 100 mm. Pháo của GA được nghiên cứu từ năm 2007 và sẽ kết thúc thử nghiệm vào năm 2017. Loại pháo điện từ của GA dự kiến bố trí trên các tàu chiến trang bị hệ thống phòng thủ Aegis, tàu tác chiến cận bờ, có thể đánh chặn tên lửa trong khoảng cách xa 100 km.
Xem clip uy lực của pháo điện từ |
Theo Anh Sơn (Thanh Niên Online)