Pháo đài bay B-52. Ảnh: United States Air Force |
"Chúng tôi đã sẵn sàng, chúng tôi rất khao khát và háo hức tham chiến", đại tá Kristin Goodwin, chỉ huy phi đội ném bom số hai ở căn cứ không quân Barksdale, bang Louisiana, nói. Căn cứ này là nơi phân nửa số máy bay B-52 của Mỹ đồn trú.
B-52 được bảo dưỡng tại căn cứ không quân Barksdale, bang Louisiana. Ảnh:NYTimes |
Phiên bản thay thế, còn được gọi là máy bay ném bom tấn công tầm xa, chưa thiết kế xong và phải mất vài thập kỷ nữa mới hoàn thiện. Vậy nên, B-52 sẽ tiếp tục bay cho đến ít nhất năm 2040.
Sự nghiệp của B-52 kéo dài hơn dự kiến một phần là nhờ kiểu thiết kế đa dụng, cho phép chúng bay đến gần như bất cứ nơi đâu và thả hầu hết mọi thứ mà Lầu Năm Góc muốn, gồm cả bom nguyên tử và truyền đơn.
Nhưng, nguyên nhân mấu chốt là do các phiên bản máy bay ném bom tầm xa thay thế B-52 không gây được ấn tượng. Chiếc B-1B Lancer trị giá 283 triệu USD xuất xưởng lần đầu tiên vào năm 1988 với hệ thống gây nhiễu radar tối tân đến nỗi gây nhiễu luôn radar của chính nó. Một thập kỷ sau, máy bay ném bom chiến lược hạng nặng B-2 Spirit trị giá hai tỷ USD được giới thiệu. Nó sở hữu công nghệ tàng hình tinh vi đến độ không thể bay dưới trời mưa vì lớp vỏ quá nhạy cảm và dễ hỏng nếu gặp nước.
"Người ta đã nỗ lực rất nhiều để chế tạo ra một loại máy bay ném bom liên lục địa ưu việt hơn nhưng chúng liên tiếp thất bại", Owen Cote, giáo sư nghiên cứu an ninh thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, cho biết. "Mỗi khi cố gắng tìm cách cải thiện B-52, chúng ta lại gặp vấn đề, vậy nên ta vẫn ưu tiên sử dụng chúng".
B-52 chính thức được gọi bằng cái tên pháo đài bay chiến lược nhưng giới phi công từ lâu đặt cho nó biệt danh màu mè B.U.F.F (viết tắt của của cụm từ tiếng Anh Big Ugly Fat Fellow, có nghĩa là "Gã to béo xấu xí").
Quá lỗi thời để cải tiến thành máy bay ném bom tàng hình, B-52 được dùng như một máy bay ném bom phản tàng hình vì nó giống như một con chim hải âu dữ tợn và ồn ào. Nó từng tham gia dội bom các đơn vị thiết giáp ở Iraq và các mục tiêu Taliban ở Afghanistan.
Những năm gần đây, nó thực hiện các sứ mệnh bay mà không quân Mỹ gọi là "cam kết và răn đe" gần Triều Tiên và Nga. Năm 2013, khi Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, hai chiếc B-52 đã bay qua khu vực này để thách thức.
"B.U.F.F. giống như một quân xe trên bàn cờ", thiếu tá Mark Burley, phi công phụ của máy bay B-52, nhận xét. "Chỉ cần bạn di chuyển nó thôi, đối phương sẽ buộc phải thay đổi thế trận".
Kẻ đóng thế
Suốt những năm 1950, vì quá lo sợ khoảng cách sức mạnh của máy bay ném bom với Liên Xô, không quân Mỹ đặt hàng Boeing sản xuất hơn 740 chiếc B-52 với giá thành mỗi chiếc lúc đó khoảng 8 triệu USD. Chiếc B-52 cuối cùng xuất xưởng vào năm 1962.
Vào thời điểm B-52 đang được lắp ráp, các quan chức quốc phòng Mỹ vẫn lên phương án thay thế chúng nhưng cuối cùng mọi kế hoạch đều thất bại vì quá phức tạp.
Thất bại đầu tiên là kế hoạch sản xuất chiếc máy bay ném bom chạy bằng năng lượng hạt nhân, cho phép nó bay liên tục trong nhiều tuần, song độ phóng xạ lại quá cao. Rồi tiếp đến là máy bay ném bom siêu thanh B-58 với cánh hình mũi tên nhưng liên tục bị rơi. Tới máy bay ném bom chiến lược B-70 thì lại có khí thải động cơ quá độc hại.
Một bài báo trên trang nhất tờ New York Times năm 1966 cho rằng cần phải cho "về hưu" tất cả máy bay B-52 vào năm 1975 vì chúng "quá già cỗi để có thể bay". Tuy nhiên, không có phương án thay thế khả thi nào xuất hiện.
Năm 1982, tổng thống Ronald Reagan cảnh báo "nhiều máy bay B-52 có tuổi đời còn lớn hơn cả các phi công lái chúng". Vì thế, Reagan đã đốc thúc sản xuất máy bay ném bom B-1B Lancer, được thiết kế bay nhanh hơn và ở tầm thấp, dưới mạng lưới phòng không của kẻ thù.
Nó dự kiến sẽ thay thế B-52 vào thập niên 1990 nhưng ngay ở lần xuất hiện đầu tiên, trước sự chứng kiến của đám đông 30.000 người, nó lại không thể khởi động. Lỗi thiết kế và cháy động cơ khiến B-1B Lancer bị gạt ra khỏi cuộc chiến tranh vùng Vịnh. Khả năng thể hiện của nó cũng bị hạn chế từ đó.
B-52 rải bom xuống một mục tiêu ven biển ở Việt Nam vào tháng 10/1965. Ảnh:United States Air Force |
Không quân Mỹ đang tìm cách thay đổi hình ảnh của B-52 từ chỗ là một máy bay ném bom rải thảm bừa bãi trở thành một vũ khí chính xác. Những năm gần đây, các ống ngắm laser được gắn vào cánh của B-52, cho phép chúng thả những quả bom thông minh có hệ thống dẫn đường. Tại chiến trường Afghanistan, chúng đảm nhận nhiệm vụ bay vòng phía trên để yểm trợ các chiến dịch của lực lượng bộ binh tấn công Taliban.
"B-52 của chúng tôi chiến đấu chính xác như một máy bay tiêm kích", trung tá Sarah Hall, phi công từng đảm nhận các sứ mệnh bay ở Afghanistan, cho hay. "Đôi khi, chỉ cần bóng dáng B-52 xuất hiện trên bầu trời cũng đủ để khiến cuộc chiến kết thúc vì kẻ thù sẽ vội vàng bỏ chạy".
Trong khi hệ thống vũ khí của B-52 được nâng cấp thì phần còn lại của nó vẫn cũ kỹ, giống như những hiện vật cổ triển lãm tại viện bảo tàng. Dù được bảo dưỡng kỹ lưỡng, dấu ấn tuổi tác của B-52 vẫn lộ ra.